Tiếng Việt English
Tổng Đài Tư Vấn1900 6281
Luật Bảo Chính http://tuvan.luatbaochinh.vn

VỤ ÁN NỔI TIẾNG

Giang Kim Đạt khai “cho sếp” 150.000 USD

Đăng lúc: Thứ sáu - 17/02/2017 17:32 - Người đăng bài viết: luatbaochinh
(PLO)- Ngày 17-2, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xử vụ án tham ô, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) với phần thẩm vấn bị cáo Giang Kim Đạt.

Giang Kim Đạt khai làm việc tại Vinashinlines từ năm 2006, vì có “ký nháy” vào hồ sơ hợp đồng mua bán tàu Hoa Sen của Vinashin, khi vụ án bị khởi tố, do lo sợ, Đạt bỏ trốn sang Campuchia, đến năm 2015 thì bị bắt.

Được hưởng lợi 711.000 USD, “cho sếp” 150.000

Theo cáo trạng, tháng 7-2006, cựu tổng giám đốc Trần Văn Liêm ký hợp đồng mua ba tàu gồm Vinashin Summer, Vinashin Phoenix, Vinashin Island, các bị cáo đã hưởng lợi hoa hồng hơn 711.000 USD.

Tại tòa, Giang Kim Đạt cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo không đúng, số tiền anh ta nhận không phải là hoa hồng mà là “lệ phí môi giới”. Theo thông lệ quốc tế, lệ phí công ty môi giới được hưởng 1%-5,75% hoặc hơn, tùy theo thỏa thuận giữa bên bán tàu và môi giới. Đạt đã đặt vấn đề với phía môi giới để “xin một ít”. Khoản tiền Đạt được hưởng là do bên môi giới “thưởng cho bị cáo”, được trích từ khoản lệ phí nói trên.

Chủ tọa hỏi Giang Kim Đạt hiểu bản chất khoản tiền Đạt nhận từ bên môi giới là gì?. “Chính xác đấy là tiền hoa hồng của công ty môi giới” - bị cáo Đạt đáp. Đạt cũng cho rằng đây là nguồn tiền hợp pháp.

“Bị cáo nghĩ đơn giản, bị cáo làm môi giới, người ta cho bị cáo thôi” - Đạt cho hay. Giang Kim Đạt cũng khai việc trích lại hoa hồng, bị cáo hoàn toàn không báo cáo bị cáo Liêm. Sau khi bên môi giới chuyển tiền cho Đạt, Đạt đưa cho Liêm 150.000 USD. “Lúc đó, bị cáo nói đây là khoản môi giới được hưởng, họ trích ra cho em, em cho anh”.

- Tại sao bị cáo nhận được khoản tiền lớn, 711.000 USD (tương đương 11,4 tỉ đồng) mà chỉ trích cho Liêm có 150.000 USD, trong khi đây là cấp trên của bị cáo?

“Đó là tiền người ta cho bị cáo” - Đạt cho biết và nói thêm “vì anh Liêm không quan tâm chuyện đó, không chỉ đạo bị cáo”.

Nghe vậy, chủ tọa công bố một số bút lục lời khai và bản tự khai của Đạt tại cơ quan điều tra, tại đó Đạt đổ hết tội cho bị cáo Liêm. Đạt cho hay tại cơ quan điều tra, bị cáo bị dọa dẫm, mớm cung, bức cung. Với những công ty môi giới mua bán tàu, Đạt khai đây là những công ty bị cáo tự tìm, tự liên hệ.

Không có hợp đồng lao động với Vinashinlines

Diễn biến đáng chú ý trong phiên xử sáng nay, người bào chữa cho Đạt, luật sư Phan Trung Hoài, tập trung xét hỏi làm rõ vấn đề, Giang Kim Đạt có đáp ứng các điều kiện của chủ thể tội tham ô tài sản hay không?

Theo luật sư Hoài, chủ thể của tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, Đạt khai trước khi vào Vinashinlines, Đạt làm đại lý chuyên môi giới kinh doanh hàng hải. Đạt ra Hà Nội làm theo lời mời của bị cáo Liêm, “đi theo cắp cặp cho anh Liêm”.

Cụ thể, tháng 2-2006, Đạt ra Hà Nội làm việc với chức danh trợ lý giám đốc. Đạt không được ký hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm. Lý giải việc này, Đạt cho hay bản thân không có bằng đại học thì làm sao có thể ký hợp đồng được với Vinashinlines.

Cũng theo Đạt, quá trình làm việc, anh ta cũng chỉ nhận lương vài lần. Quãng thời gian trong hơn hai năm, từ tháng 2-2006 đến tháng 5-2008, Đạt ba lần vào làm tại Vinashinlines, sau đó lại nghỉ việc.

Tuy nhiên, Đạt khẳng định không đặt bút ký bất cứ hợp đồng lao động nào với Vinashinlines. Đạt xin nghỉ việc tại công ty vào tháng 10-2007, vì quá gò bó, quá nhiều ràng buộc. “Tôi là người môi giới tự do, đi nước ngoài liên tục nên tôi xin nghỉ việc” - Đạt khai.

Tháng 4-2008, Đạt quay lại làm việc tại Vinashinlines nhưng không có mặt tại công ty. Đạt giải thích do Liêm nhờ sang Anh, Trung Quốc đàm phán về việc tàu của công ty bị bắt giữ. Thời gian này, Đạt có quyết định làm cố vấn của tổng giám đốc công ty, mục đích nhằm giải quyết việc con tàu bị bắt giữ. Sau khi giải quyết xong công việc, quay lại công ty, tháng 5-2008, Đạt được bổ nhiệm làm quyền trưởng phòng nhưng không làm gì cho Vinashinlines, không có bất kỳ chế độ chính sách nào.

Đạt cũng khai khi mua hai con tàu đầu tiên, Đạt tham gia với tư cách là cán bộ Phòng khai thác 2 chứ không phải là quyền trưởng phòng. 

 
Tác giả bài viết: ĐỨC MINH
Nguồn tin: plo.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết