Yêu cầu chia tài sản thuộc sở hữu chung.
17/04/2017 14:07
Gia đình tôi có 5 nguời con 3 nam, 2 nữ anh trai cả đã mất. Bố mẹ tôi có 1 mảnh đất nhưng đứng tên nguời con trai út. Nguồn gốc có mảnh đất đó là công lao của mấy anh, chị em tôi góp sức có công của cả anh trai cả.
Năm 2015 mẹ tôi mất, bố tôi ở với em trai út. Đầu năm 2016 em trai tôi bán căn nhà của bố mẹ tôi được 1 tỷ 2 nhưng không bàn bạc gì với các anh chị và không chia cho ai một đồng nào cả .
Nay anh em tôi đang có tranh chấp khi em trai tôi bán nhà mà không chia cho ai và nói đất đứng tên em tôi thì em tôi được hưởng.
Giờ bố tôi lập di chúc về số tiền mà em tôi đã bán đất để chia cho tất cả các con có hợp pháp hay không ?
Tôi xin chân thành cảm ơn và sẽ chờ phản hồi từ công ty!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Trước tiên cần xác định rõ quyền sử dụng mảnh đất đó là của ai? Tại sao em trai út của bạn lại đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó? Nên cần làm rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất, Nếu những điều bạn trình bày là đúng khi mua mảnh đất đó là do công sức đóng góp của các anh chị, em trong gia đình nên trường hợp này có thể được xác định là sở hữu chung tài sản theo Bộ luật dân sự quy định như sau:
“Điều 214. Sở hữu chung:
Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản.
Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
Điều 215. Xác lập quyền sở hữu chung.
Quyền sở hữu chung được xác lập theo thỏa thuận của các chủ sở hữu, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.
Điều 216. Sở hữu chung theo phần.
1. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.
2. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận.
Điều 217. Sở hữu chung hợp nhất.
1. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung.
Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sỡ hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.
2. Các sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung."
Do đó, từ những quy định trên có thể thấy mảnh đất đó được hiểu không phải của một mình em trai bạn mà thuộc sở hữu của bố, mẹ, anh chị trong gia đình bạn và các thành viên trong gia đình đều có quyền và nghĩa vụ đối với mảnh đất đó. Tuy nhiên, bạn phải chứng minh được mảnh đất đó là thuộc sở hữu chung.
Thứ hai, trường hợp trước khi mất, mẹ bạn có để lại di chúc cho em trai út của bạn mảnh đất đó thì phải xem xét di chúc đó có hợp pháp không?
Nếu mảnh đất đó là của bố mẹ bạn thì bạn phải đưa ra những bằng chứng chứng minh quyền sử dụng đất mảnh đất trên là tài sản chung của bố mẹ bạn thì khi đó việc lập di chúc phải được thể hiện theo ý chí của bố mẹ bạn theo Điều 646 Bộ luật dân sự 2005:
“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”,
cả bố và mẹ đều có quyền quyết định tài sản chung của mình theo Điều 663 Bộ luật dân sự :
“vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”.
Và theo Điều 664 Bộ luật dân sự quy định sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng:
"1. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.
2. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia, nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.”
Nên trong trường hợp nếu là tài sản chung của bố mẹ bạn thì mẹ bạn không có quyền quyết định toàn bộ số tài sản chung đó. Do đó, chỉ một mình mẹ bạn lập di chúc thì không đảm bảo tính hợp pháp. Dẫn đến việc em út bạn không có quyền thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất mảnh đất đó cho người khác. Điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định :
“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.”
Theo đó, bạn cần chững minh theo hướng quyền sử dụng mảnh đất trên là tài sản được tạo lập trong thời kì hôn nhân trên cơ sở tiền lương hay thu nhập hợp pháp của bố mẹ bạn hoặc có được thông qua việc được tặng cho chung, thừa kế chung hay là tài sản khác được bố mẹ bạn thỏa thuận thống nhất là tài sản chung. Đây là những bằng chứng quan trọng có khả năng chứng minh nguồn gốc tài sản trong trường hợp này.
Để giải quyết trường hợp của bạn thì trước tiên, bạn và các thành viên trong gia đình có thể thỏa thuận với nhau cách giải quyết. Nếu không thỏa thuận được bạn có thể khởi kiện ra Tòa án theo quy định tại khoản 9 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “tranh chấp về đất đai theo quy định của luật đất đai”.
Cùng với việc chứng minh nguồn gốc quyền sử dụng đất đang tranh chấp, bạn có thể tìm hiểu để chứng minh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà em út bạn đứng tên là vô căn cứ và không có giá trị: em út bạn không thuộc trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 99 Luật đất đai 2013; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vi phạm các quy định của pháp luật tại các Điều 100, Điều 101 Luật đất đai 2013.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!