Xử lý trường hợp cha không cấp dưỡng cho con
11/05/2017 17:35Tôi và chồng đã ly hôn được 1 năm theo quyết định của tòa án tôi được quyền nuôi con và hàng tháng chồng tôi phải cấp dưỡng cho con 1 triệu đồng, nhưng đến nay chồng tôi chưa bao giờ đưa tiền cấp dưỡng lần nào dù tôi đã nhờ cơ quan thi hành án yêu cầu thực hiện. Nhưng chồng tôi cố ý trốn tránh trách nhiệm vậy cho hỏi tôi cần làm đơn như thế nào? Và gửi đến cơ quan nào để buộc chồng tôi thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng? Xin cảm ơn luật sư.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Theo thông tin mà chị cung cấp thì chị đã “nhờ” cơ quan thi hành án yêu cầu chồng chị thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhưng chồng chị vẫn không làm. Do chị không trình bày rõ nên chúng tôi giải quyết theo hai hướng như sau:
Trường hợp chị đã yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điều 7 Luật thi hành án dân sự đã được sửa đổi bổ sung theo Luật thi hành án sửa đổi bổ sung năm 2014.
Điều 7. Quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án
1. Người được thi hành án có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này;
b) Được thông báo về thi hành án;
c) Thỏa thuận với người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án;
…
l) Khiếu nại, tố cáo về thi hành án.
Khi đó, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 36 Luật thi hành án dân sự (đã được sửa đổi bổ sung theo Luật thi hành án sửa đổi bổ sung năm 2014) và thông báo về việc thi hành án đó cho chồng bạn theo quy định tại điều 39 Luật thi hành án dân sự 2008.
Điều 39. Thông báo về thi hành án
1. Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
2. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
3. Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
b) Niêm yết công khai;
c) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu.
Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày chồng bạn nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, chồng bạn có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế bằng một trong số các biện pháp sau:
- Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
- Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Ngoài ra, nếu chồng bạn cố tình không thi hành án bạn có thể làm đơn tố cáo chồng bạn tội không chấp hành án theo quy định của Bộ luật hình sự 1999
Trường hợp bạn chưa có yêu cầu thi hành án, bạn có thể tiến hành yêu cầu thi hành án bằng hai cách:
Cách thứ nhất là viết đơn yêu cầu thi hành án với các nội dung được quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung:
2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
e) Ngày, tháng, năm làm đơn;
g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.
Cách thử hai là trực tiếp trình bày bằng lời nói với cơ quan thi hành án dân sự, khi đó cơ quan thi hành án dân sự sẽ phải lập biên bản có các nội dung như trong đơn yêu cầu, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu. Theo quy định của Bộ luật hình sự 1999, nếu không chấp hành án sẽ bị xử lý như sau:
Điều 304. Tội không chấp hành án
Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.