Xử lý hành vi chuyên chở máy móc, vật liệu gây ồn và rạn nứt nhà bên cạnh.
09/05/2017 16:48
Bên cạnh nhà tôi có công ty đang làm nhà, ngày đêm chở vật liệu, máy móc hoạt động gây tiếng ồn lớn và nhiều lúc nhà bị rung lắc do các máy công trình thi công. Và nhà tôi đang bị nứt. Vậy từng bước tôi phải làm gì cho đúng pháp luật?
Xin cảm ơn! ?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Thứ nhất, về hành vi tạo tiếng ồn trong quá trình xây dựng.
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính bảo vệ môi trường đối với hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn như sau:
Điều 17. Vi phạm các quy định về tiếng ồn
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5 dBA.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.
5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.
6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.
7. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.
8. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.
9. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.
10. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 3, 4, 5 và 6 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các Khoản 7, 8 và 9 Điều này.
11. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;
b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này.”
Vậy trong trường hợp này để ngăn chặn hành vi gây tiếng ồn thì bạn phải xác định được mức độ ô nhiễm tiếng ồn trong quá trình xây dựng tạo ra so với quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn có vi phạm hay không, bạn có thể tiến hành trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường để xác định hành vi này, nếu hành vi này vi phạm quy định ở trên, bạn có thể tiến hành yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Theo quy định tại điểm q Khoản 1 Điều 54 Nghị định 179/2013/NĐ-CP thì thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả thuộc về:
“q) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường và phạm vi quản lý của mình đối với các vi phạm được quy định tại các Điều 8, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 29, 30, 31, 32, 38, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48 và 49 của Nghị định này;”
Trong trường hợp mức độ tiếng ồn chưa vi phạm quy định ở trên, bạn có thể yêu cầu UBND cấp xã giải quyết vấn đề này.
Thứ hai, về hành vi công trình xây dựng àm ảnh hưởng đến công trình xây dựng khác.
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Dân sự 2015:
“Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.”
Ngoài ra, Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định:
“Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.”
Vậy trong trường hợp này do công trình của công ty kế bên trong quá trình xây dựng do các máy công trình thi công và nhà của bạn bị ảnh hưởng, bị rung, nứt do hành vi này thì bạn có quyền yêu cầu chủ sở hữu công trình ngừng việc thi công và bồi thường thiệt hại. Mức độ bồi thường thiệt hại do hai bên tự thỏa thuận theo căn cứ pháp luật quy định và mức độ thiệt hại thực tế xảy ra. Hai bên có thể tự xác định mức độ thiệt hại hoặc trong trường hợp không thể xác định, một trong hai bên có thể tìm tới cơ quan định giá để xác định mức độ thiệt hại.
Trong trường hợp hai bên không thể đi đến thỏa thuận, bạn có thể gửi đơn tới Tòa án nhân dân cấp huyện yêu cầu giải quyết theo thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Ngoài ra, bạn cũng phải chú ý đến thời hiệu khởi kiện được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều 588. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
“Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”
Cụ thể, theo Khoản 6 Mục I Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
6. Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Việc xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được thực hiện như sau:
a) Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh kể từ ngày 01-01-2005 (ngày Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực), thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.
b) Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước ngày 01-01-2005, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày 01-01-2005.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.