Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi.
10/05/2017 17:24
Em với bạn em có đi ăn ở quá ăn và đánh rơi 500.000 đồng. Bàn ngồi sau nhìn thấy nhặt được cố tình không trả, sau đó mấy bạn đó tính tiền đi về. Qua trao đổi với chủ quán thì chủ quán cho xem camera thì em có quay lại cảnh bạn nhặt và cố tình không trả. Sau đó đoạn clip được em đăng lên mạng để tìm người nhặt.
Vậy thưa luật sư cho em hỏi.
1. Mấy bạn nhặt được có vi phạm gì về pháp luật không?
2. Em đăng clip bạn nhặt tiền lên mạng thì em có phạm luật không ? Nếu bạn đó kiện em vu khống, phát tán hay sử dụng hình ảnh cá nhân thì em có phạm tội không? Em cảm ơn luật sư.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Căn cứ Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 quy định xác lập quyền sở hữu đối với vật đánh rơi, bỏ quên như sau:
“Điều 230. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên
1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
2. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;
b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, theo quy định trên, khi nhận được tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết chủ tài sản thì phải trả lại; nếu không biết thì phải giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết để nhận lại.
Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, bạn đánh rơi 500.000 đồng, sau khi biết được người nhặt tiền; bạn có yêu cầu người đó trả lại tài sản cho bạn nhưng người đó không trả lại tài sản thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e) Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
...
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;
c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. […]”
Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009:
"Điều 141. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm."
2. Bạn tự ý đăng video hình ảnh của người khác có vi phạm không?
Hành vi của bạn là đăng video của người khác lên mạng, nói người đó nhặt được tiền nhưng không trả và video đó là có thật thì hành vi này không phải là vu khống; tuy nhiên, hành vi này đã xâm phạm đến quyền hình ảnh của cá nhân theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. […]”.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng !
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.