Xác định giao dịch dân sự giả tạo và hậu quả pháp lý
08/05/2017 09:55Anh Hòa vay nợ của ông Vĩnh một số tiền lớn là 2 tỷ đồng. Anh đã kí giấy vay nợ và đồng ý bán đứt căn hộ Hoa mỹ cho ông Vĩnh để trả nợ. Việc mua bán này chưa được thực hiện thì anh Hòa lại bán căn nhà này cho Chị Linh (hợp đồng mua bán đã qua công chứng). Khi bán nhà xong anh Hòa vẫn không chịu trả tiền nợ cho ông Vĩnh. Tức thì ông Vĩnh đã đâm đơn khởi kiện anh Hòa và chị Linh. Đâu là giao dịch giả tạo? Đâu là giao dịch thực chất? Giải quyết hậu quả pháp lí 2 giao dịch trên theo pháp luật hiện hành?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Căn cứ Điều 129 Bộ luật dân sự 2005 quy định về giao dịch dân sự giả tạo như sau:
"Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này.
Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu.”
Giao dịch dân sự giả tạo có những đặc điểm sau:
- Các giao dịch bên trong đó hoàn toàn tự nguyện, các bên xác lập giao dịch nhưng lại cố ý bày tỏ ý chí không đúng với ý chí đích thực của họ, không có sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí.
- Các bên xác lập một giao dịch để nhằm che dấu một giao dịch khác hoặc thực hiện giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba.
Với các giao dịch nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch bị giả tạo sẽ vô hiệu còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực nếu như giao dịch bị che giấu đó vẫn tuân thủ đúng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Trường hợp giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch giả tạo đương nhiên bị vô hiệu.
Trong trường hợp này, việc anh Hòa đã kí giấy vay nợ và đồng ý bán đứt căn hộ Hoa mỹ cho ông Vĩnh, giao dịch bán nhà giữa anh Hòa và ông Vĩnh là giao dịch dân sự giả tạo, nhằm che dấu giao dịch vay tiền trước đây của hai bên, do đó giao dịch mua bán giữa ông Vĩnh và anh Hòa sẽ bị tuyên vô hiệu. Đối với giao dịch giữa anh Hòa và chị Linh là hoàn toàn hợp pháp, không vi phạm pháp luật.
Theo đó, khi giao dịch dân sự này vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập; các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường (Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005). Ông Vĩnh có thể làm đơn khởi kiện và yêu cầu Tòa tuyên giao dịch vay nợ giữa ông và anh Hòa vô hiệu, hậu quả là anh Linh trả tiền lại cho ông Vĩnh.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.