Vi phạm hợp đồng đặt cọc phải bồi thường thế nào?
09/05/2017 13:41
Kính chào Luật sư tôi (ở quận Cái Răng - thành phố Cần Thơ) có thỏa thuận mua chính sách tái định cư của ông A (do ông A bị ảnh hưởng dự án được nhà nước giải quyết bố trí nền tái định cư) với giá 80 triệu. Tôi có đặt cọc trước 40 triệu và có thỏa thuận nếu đổi ý không bán ông A phải bồi thường cho tôi gấp 10 (mười) lần tiền đặt cọc (Biên nhận này có thành lập văn bản đặt cọc các bên thống nhất ký vào văn bản đặt cọc, không có công chứng). Hiện nay ông A đã nhận nền tái định cư nhưng không đồng ý giao nền cho tôi (do hiện nay giá trị nền tái định cư lên cao 400 triệu/nền).
Hỏi như vậy tôi có nhận được tiền bồi thường theo biên nhận đặt cọc do ông A vi phạm thỏa thuận đặt cọc hay không? Vì vừa rồi trong cuộc hòa giải với ông A, Thẩm phán Tòa án nhân dân quận Cái Răng nói rằng "không có luật nào 1 (một) thường 10 (mười)". Và Tòa án quận đề nghị bồi thường 10 triệu tiền phạt cọc cho tôi làm tôi rất hoang mang.
Rất mong Luật sư tư vấn. Trân trọng kính chào.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015:
“1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.”
“2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Đặt cọc mua nền tái định cư là quan hệ dân sự do các bên thoả thuận, và pháp luật không quy định hợp đồng đặt cọc phải có công chứng do đó hợp đồng đặt cọc mà bạn đã ký với ông A là hợp pháp. Theo đó, khoản 2, Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
“2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, nếu hai bên có thỏa thuận về việc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự của một bên thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó. Trong trường hợp này, bạn và ông A đã có thỏa thuận nếu ông A đổi ý không bán thì sẽ phải bồi thường gấp 10 lần giá trị đặt cọc thì tiến hành theo thỏa thuận . Cụ thể về vấn đề này, Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định về thỏa thuận phạt vi phạm như sau:
“1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.”
Như vậy, mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên tự thỏa thuận. Tự thỏa thuận ở đây có nghĩa là các bên được phép tự do ấn định mức phạt mà không bị khống chế bởi những quy định của pháp luật, thể hiện rõ nguyên tắc tự do thỏa thuận được ghi nhận trong pháp luật dân sự.
Do đó, khi ông A có hành vi vi phạm hợp đồng khi không đồng ý giao nền tái định cư cho bạn thì bạn có quyền yêu cầu ông A thực hiện việc nộp tiền phạt vi phạm như đã thỏa thuận trong hợp đồng là phải bồi thường gấp 10 lần giá trị tiền đặt cọc. Và việc tòa án đề nghị bồi thường 10 triệu tiền phạt đặt cọc cho bạn là không có căn cứ pháp luật. Vì cho dù bạn không có thỏa thuận về việc phạt vi phạm trong hợp đồng thì ông A phải có nghĩa vụ bồi thường cho bạn khoản tiền tương đương với giá trị tiền đặt cọc là 40 triệu đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.