Vi phạm giao thông gây tai nạn chết người bồi thường như thế nào?
09/05/2017 17:08Kính chào Luật Bảo Chính! Tối ngày 18/3 âm lịch, tức là ngày 23/4, khoảng 8h35 anh trai tôi đi xe máy trên đường (đi xuôi bên phải đường), cách nhà khoảng 10m, anh trai tôi bật đèn xi nhan xin đường về nhà (nhà anh tôi phía bên trái đường). Đi ngược chiều là một thanh niên sinh năm 1987, đi đúng làn đường nhưng phóng với tốc độ rất nhanh (nhiều người qua đường nhận xét); thanh niên đó không làm chủ được tốc độ và đã đâm thẳng vào anh trai tôi khiến anh tôi bật người ra khỏi xe và đập đầu xuống đường, thanh niên kia không có dấu hiệu phanh xe hay xử lý trước tình huống đó. Hậu quả anh tôi bị vỡ sọ và chết khi đưa đến bệnh viện tỉnh (sau thời gian khoảng 10 tiếng xảy ra tai nạn). Sau khi công an kiểm tra hiện trường và đo nồng độ cồn cả hai kết quả cho thấy: Thanh niên kia có nồng độ cồn là 0,264 mg/L và anh tôi là 0,256 mg/L. Thanh niên kia chỉ bị xây sát phần mềm. Xin hỏi trước tình hình trên thanh niên kia có phải đền bù cho gia đình anh tôi không, và nếu đền bù thì mức đền bù như thế nào? Nếu không thương lượng được hai bên, gia đình tôi có đề nghị khởi kiện được không?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông được cho phép không vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Tức là trong trường hợp này, nồng độ cồn trong máu của anh trai bạn ở trong mức cho phép, người gây tai nạn vượt quá nồng độ cồn cho phép.
Với những thông tin bạn trình bày như trên, lỗi sai hoàn toàn do người đi ngược chiều với anh trai bạn. Người gây tai nạn đã không làm chủ được tốc độ, không có dấu hiệu phanh xe hay xử lý trước tình huống. Như vậy, người đó đã vi phạm các quy định khi tham gia giao thông đường bộ (Khoản 11, Khoản 19 Luật giao thông đường bộ 2008) và gây ra hậu quả chết người. Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
"1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b) Khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự 1999, hình phạt tù từ ba năm đến mười năm.
Về vấn đề bồi thường thiệt hại: Theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự 2005 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:
- Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Theo hướng dẫn tại Khoản 2 Mục 2 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết bao gồm: các chi phí được hướng dẫn tại các tiểu mục 1.1, 1.4 và thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần II này.
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...
- Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết.
+ Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng, tương ứng đó. Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường.
Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm.
+ Đối tượng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng.
++ Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng hoặc vợ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
++ Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
++ Cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
++ Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn đang được bên kia (chồng hoặc vợ trước khi ly hôn) là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
++ Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
++ Em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động không có tài sản để cấp dưỡng cho con được anh, chị đã thành niên không sống chung với em là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
++ Anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà em đã thành niên không sống chung với anh, chị là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
++ Cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn người khác cấp dưỡng mà ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
++ Ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng mà cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.
+ Người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại.
+ Trường hợp không có những người được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 này, thì người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại.
+ Trong mọi trường hợp, khi tính mạng bị xâm phạm, những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại (sau đây gọi chung là người thân thích) của người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của những người thân thích của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào địa vị của người bị thiệt hại trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người thân thích của người bị thiệt hại...
+ Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Như vậy, gia đình bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn, nêu không bồi thường thì gia đình bạn có quyền khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc tố cáo trực tiếp tới cơ quan công an cấp huyện để giải quyết.Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.