Vi phạm bản quyền, xử phạt khi không có tem nhãn phụ
06/05/2017 09:04Thưa luật sư! Tôi có 2 câu hỏi muốn nhờ luật sư tư vấn Câu hỏi 1: Tôi có nhập 1 lô hàng bình nước nóng năng lượng mặt trời trị giá 225 triệu. Công an kinh tế phạt tôi không tem nhãn phụ. Như vậy mức phạt bao nhiêu là đúng? Câu hòi 2: Tôi có nhập 1 lô hàng bình nước nóng năng lượng mặt trời trị giá 225 triệu.Trong đó có 3 nhãn hiệu NANO, WAPI, OCEAN bị 2 công ty tố cáo tôi vi phạm nhãn hiệu cục sở hữu trí tuệ của 2 công ty đó. Nhưng tôi theo cục sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu OCEAN không được cấp bảo hộ. Còn NANO và WAPI thì đã cấp bảo hộ, nhưng nhãn hiệu NANO thì bảo hộ tổng thể NANO SOLAR, còn bên tôi thì chỉ có chữ NANO. Không biết như vậy có gọi là vi phạm thương hiệu không? Khi công an kinh tế nhận được đơn tố cáo của 2 công ty đó thì đã vào niêm phong hàng hóa của tôi bây giờ đã 2 tháng rồi vẫn chưa giải quyết. Không biết như vậy công an kinh tế làm có đúng luật không? Lô hàng của tôi vi phạm nhãn hiệu cục sở hữu trí tuệ khoảng 100 triệu, Vậy mức phạt là bao nhiêu? Tôi có thể kiện người ta là nhãn hiệu OCEAN tôi không vi phạm mà người ta lại tố cáo tôi không? Công an kinh tế niêm phong tất cả lô hàng hóa tôi nhập ( gồm vi phạm và không vi phạm) đã 2 tháng vẫn không giải quyết, như vậy thiệt hại cho kinh tế bên tôi. Vậy công an kinh tế làm có đúng không?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề mức phạt đối với hành vi không dán nhãn phụ. Căn cứ khoản 1 Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP thì hành vi không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt vào hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài là hành vi vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa. Căn cứ theo khoản 2 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với hành vi này như sau:
“2. Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này theo mức phạt sau đây:
a) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.”
Như vậy, hành vi không dán nhãn phụ của bạn sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Thứ hai, về vấn đề vi phạm nhãn hiệu NANO của bạn. Căn cứ vào khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định:
"1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng."
Muốn xét một dấu hiệu có xâm phạm nhãn hiệu hay không, căn cứ vào Điều 13 Nghị định 105/2006/NĐ-CP:
”Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:
a) Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
b) Hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ.”
Như vậy, lô hàng của bạn mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa thuộc phạm vi bảo hộ là bình nước nóng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, dấu hiệu NANO được bảo hộ tổng thể là NANO SOLAR vì vậy để xác định xem dấu hiệu này có xâm phạm nhãn hiệu hay không, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 13 Thông tư 11/2015/TT-BKNCN của Bộ khoa học công nghệ quy định:
“Phạm vi bảo hộ về tổng thể, từng thành phần của nhãn hiệu; mức độ tương tự của dấu hiệu với nhãn hiệu về tổng thể và với các thành phần có khả năng phân biệt của nhãn hiệu, đặc biệt thành phần gây ấn tượng mạnh đối với người tiêu dùng”
Như vậy, dấu hiệu NANO gắn trên lô hàng của bạn đã đáp ứng đủ hai điều kiện để được coi là dấu hiệu xâm phạm vì vậy hành vi nhập khẩu hàng hóa có mang dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Cụ thể, căn cứ khoản 13 Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định:
“Phạt tiền bằng 1,2 lần mức tiền phạt quy định từ Khoản 1 đến Khoản 12 Điều này nhưng không vượt quá 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thiết kế, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;
b) In, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng hình thức khác tem, nhãn, vật phẩm khác mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại lên hàng hóa;
c) Nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp;
d) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này.”
Trong đó, tại khoản 7 Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định mức phạt như sau:
“Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”
Do vậy, với hành vi nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu với giá trị lô hàng là 100 triệu đồng thì số tiền bạn bị xử phạt vi phạm là từ 48 000 000 đồng (40 000 000* 1.2 ) đến 72 000 000 đồng( 60 000 000 *1.2).
Thứ ba, về vấn đề lô hàng mang nhãn hiệu OCEAN không xâm phạm nhãn hiệu mà bị tố cáo thì bạn có thể chứng minh lô hàng của bạn không xâm phạm nhãn hiệu để công ty đó rút lại đơn tố cáo về lô hàng này.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.