Vi bằng và những vấn đề liên quan đến tài sản thừa kế
26/04/2017 16:37
Quyền sử dụng đất là đứng tên Bố và Mẹ em nay bố em đã mất mà không để lại di chúc cho Mẹ và chúng em. Hiện tại bà nội em vẫn sống nên quyền thừa kế thuộc về bà nội em 1 phần.Vài tháng trước bà nội em đã lập Vi bằng cho tặng phần tài sản thừa kế lại cho mẹ em...Nay mẹ con em muốn sang tên tài sản sang tên 1 mình mẹ em sở hữu..Nhưng bà cụ đã chuyển đến ở với các cô con gái của cụ và 1 trong số các cô hiểu được vấn đề về quyền lợi nên đã ngăn cản bà cụ bằng mọi cách để gia đình em gặp khó khăn trong việc sang tên sổ đỏ theo đúng quy định của pháp luật. Nay em hỏi với tấm Vi Bằng mà bà cụ đã cho tặng mẹ em trước kia liệu với những lời xúi giục từ những bà cô thì bà cụ có quyền hủy Vi Bằng đã cho tặng rồi không?
Em xin chân thành cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
Điều 219. Sở hữu chung của vợ chồng
1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất.
2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà án.
Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Theo thông tin bạn cung cấp, tài sản là quyền sử dụng đất đứng tên bố và mẹ bạn. Số tài sản chung của bố mẹ bạn sẽ được chia theo công sức đóng góp tạo lập để hình thành nên tài sản chung đó. Trường hợp không xác định được thì sẽ chia theo nguyên tắc chia đôi. Do bố bạn mất không để lại di chúc, nên trường hợp này phần tài sản của bố bạn sẽ chia theo pháp luật.
Căn cứ theo quy định trên, những người được hưởng di sản do bố bạn để lại bao gồm: mẹ bạn, bạn và các anh chị em của bạn, bà bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng suất thừa kế bằng nhau.
Khoản 2 Điều 2 Nghị định 61/2009/NĐ-CP quy định:
2. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Về nguyên tắc, nội dung vi bằng thể hiện ý chí của cá nhân muốn lập vi bằng, vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ, chứng minh mà không thay thế văn bản bắt buộc. Vi bằng ghi nhận những tuyên bố, cam kết, thỏa thuận, xác nhận sự kiện có thật.
Bà bạn là người yêu cầu lập vi bằng và muốn xác lập việc bà muốn chuyển di sản nhận được từ bố bạn cho mẹ bạn là có thật, nếu ý chí và nguyện vọng của bà bạn thay đổi thì bà hoàn toàn có thể hủy vi bằng đó, nên việc bà bạn có muốn tặng cho di sản nhận được do thừa kế cho người khác hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người sở hữu tài sản là bà bạn. Do đó trường hợp mẹ bạn muốn sang tên toàn bộ mảnh đất trên sẽ phụ thuộc vào ý chí của bà bạn có tặng cho mảnh đất trên cho mẹ bạn hay không, nếu bà thay đổi nguyện vọng thì mẹ bạn chỉ được đứng tên phần diện tích mẹ bạn sở hữu và các phần mà anh chị em bạn tặng cho mẹ bạn.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng.
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.