Vay tiền không trả thì phải làm thế nào?
20/04/2017 14:33
Thưa luật sư!
Tháng 10 năm 2015, bạn tôi có dẫn 2 vợ chồng từ Đồng Nai về Bến Tre để làm ăn. Thông qua mối quan hệ với bạn tôi, 2 vợ chồng này đã nhờ tôi và khoảng 3 - 4 người nữa đi vay mượn bên ngoài với số tiền hơn 200 triệu đồng, nói là để hùn vốn làm ăn. Do tin tưởng, nên khi giao tiền chúng tôi không có kí giấy tờ gì cả…. Sau đó khoảng một tháng, người chồng có mượn của tôi 1 chiếc xe máy và 10 triệu đồng, không có giấy tờ. Đến sau tết 2015, chúng tôi có yêu cầu hoàn trả lại số tiền trên cho chúng tôi, bà ấy không chịu trả, cứ hẹn tới hẹn lui và tránh mặt không gặp cũng như không chịu nghe điện thoại của chúng tôi.
Đến khi chúng tôi tìm gặp, đòi trả lại số tiền thì bà ấy nói là giấy tờ đâu? Lấy chứng cớ gì mà bắt bà ấy trả? Trong trường hợp này, chúng tôi phải làm sao để có thể lấy lại số tài sản mà chúng tôi đã cho vay?
Cảm ơn Luật sư
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại Điều 401 Bộ luật dân sự 2005 về hình thức hợp đồng dân sự thì:
"1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Như vậy, theo quy định trên thì hình thức của hợp đồng dân sự có thể thể hiện bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi nhất định. Bạn đã cho người kia vay tài sản, việc vay mượn không lập thành văn bản, tuy nhiên, ở đây có thể xác định giữa các bên đã xác lập một hợp đồng vay tiền bằng lời nói. Do vậy, giao dịch vay mượn tiền nêu trên được pháp luật công nhận.
Bạn đã yêu cầu bên vay trả tiền nhưng bên vay không chịu trả nên khi quyền lợi của bạn bị xâm phạm, bạn có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân quận/huyện nơi cư trú của người vay tiền để được giải quyết.Và để đảm bảo đơn kiện được Tòa án chấp thuận và thụ lý bạn phải cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc xác định đã có quan hệ giao dịch vay tiền trên thực tế, các tài liệu chứng minh có việc vay tiền, nhận tiền giữa hai bên
Điều 95 BLTTDS quy định về xác định chứng cứ như sau:
"1. Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
3. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
4. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
5. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.
6. Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
7. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
8. Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
9. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
10. Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
11. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định."
Theo đó, trong trường hợp này, bạn không thiết lập hợp đồng cho vay, cũng không có giấy biên nhận hay giấy ghi nợ nên bạn có thể xuất trình cho Tòa án các chứng cứ như bản ghi âm cuộc giao dịch vay tiền, nội dung tin nhắn vay tiền, hay nội dung email, người làm chứng xác nhận có việc vay tiền giữa các bên.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng.
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.