Vấn đề xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản, tính mạng, sức khỏe
03/04/2017 14:44
Thưa Luật sư, gia đình tôi có vay của bà L một số tiền, nhưng bà L lại gạt số tiền nợ trên cho ông Q (có giấy tờ chuyển nhượng, chữ kí đầy đủ của ba bên). Ông Q khi đó đã tuyên bố, gia đình tôi sẽ không còn liên quan đến bà L nữa, số tiền nợ hoàn toàn thuộc quyền của ông Q quản lí, bà L không được đến nhà tôi đòi nợ.
Trong thời gian gia đình tôi đang trả nợ dần cho ông Q thì bà L, cùng với một đám thanh niên kéo đến nhà tôi và có những hàng động như: chửi bới thô tục, lăng mạ những người trong gia đình tôi; cắt điện hộ gia đình tôi và các gia đình lân cận không cho kinh doanh sản xuất; phá cửa xưởng kinh doanh của tôi và ném đá, đất... lên các công cụ kinh doanh của gia đình tôi; sử dụng kiếm, côn, gậy sắt... đe doạ đến tính mạnh gia đìnn tôi.
Chúng còn kéo nhau ra chợ, đánh đập, ném xô chậu uy hiếp những người thân của tôi đang buôn bán làm ăn.
Những tình trạng này diễn ra nhiều lần, đến nay vẫn không chấm dứt khiến gia đình tôi rất hoang mang lo sợ, chúng tôi đã viết đơn trình báo lên công an xã và công an huyện nhưng họ giải quyết vụ việc rất thờ ơ, không đem lại hiệu quả. Gia đình tôi đã hết trách nhiệm với bà L, nhưng bà L liên tục dẫn côn đồ đến nhà tôi uy hiếp bắt trả tiền cho bà L. Bà L là người đã dẫn ông Q đến gia đình tôi và ép buộc gia đình tôi phải trả nợ cho ông Q, vì thế chúng tôi yêu cầu bà L phải liên lạc với ông Q để cả ba bên cùng đàm phán, nhưng bà L lại không chịu liên lạc với ông Q, tiếp tục uy hiếp gia đình tôi.
Trong trường hợp này gia đình tôi phải làm thế nào?
Xin chân thành cảm ơn Luật sư!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau: :
Theo quy định tại Điều 365 Bộ luật dân sự năm 2015:
"Điều 365. Chuyển giao quyền yêu cầu
1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:
a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.
2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này."
Có thể kết luận như sau: người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ là bà L. Nhưng do bà L chủ động chuyển giao quyền yêu cầu từ bà L sang ông Q và nghĩa vụ trả nợ này không thuộc trường hợp không được chuyển giao quyền yêu cầu, do đó Bà L không còn quyền yêu cầu đối với nghĩa vụ trả nợ của bạn.
Những hành động của bà L như bạn đã kể trên đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm và cả tài sản của gia đình bạn, vi phạm các quy định tại các Điều 20,32 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 33 Bộ luật dân sự năm 2015. Bà L có thể phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trước những thiệt hại mà bà L đã gây ra cho gia đình bạn theo các quy định tại Chương XX Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, mức bồi thường là toàn bộ những thiệt hại đã gây ra cho gia đình bạn hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên.
Như vậy, dựa trên những phân tích của chúng tôi, gia đình bạn có thể yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp hoặc nộp đơn khởi kiện lên tòa án nơi bà L cư trú yêu cầu bà L chấm dứt những hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm và tài sản của gia đình bạn. Đồng thời bạn cũng có thể khởi kiện yêu cầu bà L bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại mà bà L đã gây ra.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 1900 6281
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.