Vấn đề về sử dụng tài sản chung của vợ chồng.
24/04/2017 16:34
Kính gửi công ty Luật Bảo Chính , Chồng tôi là người Hà Lan, có giấy đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Hai vợ chồng tôi có tài khoản riêng tại ngân hàng và vẫn làm giấy tờ uỷ quyền cho nhau sử dụng tài khoản của nhau. Tuy nhiên, chồng tôi hay phải đi công tác nên sợ có rủi ro và muốn lập 1 di chúc, nếu chẳng may mất đi thì tôi có toàn quyền sử dụng tài khoản của anh ấy. Anh/ Chị cho biết ở Việt Nam có làm dịch vụ này không, nếu có thì phí bao nhiêu và phải chuẩn bị những giấy tờ gì?
Xin cảm ơn công ty Luật Bảo Chính .
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội,thì thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người khác còn sống theo quyết định của người đó trước khi chết được thể hiện trong di chúc .
Đối với việc thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài Điều 768 Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội quy định như sau:
"1. Năng lực lập di chúc, thay đổi và huỷ bỏ di chúc phải tuân theo pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân.
2. Hình thức của di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc."
Như vậy, để giải quyết xung đột pháp luật về năng lực lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc, Việt Nam áp dụng pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân. Pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để xác định năng lực chủ thể khi công dân Việt Nam lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc, định đoạt di sản thừa kế, bất kể di sản thừa kế là động sản hay bất động sản. Pháp luật Việt Nam sẽ không được áp dụng đối với việc xác định năng lực chủ thể khi công dân nước ngoài lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc định đoạt di sản thừa kế, kể cả khi hành vi này được thực hiện tại Việt Nam.
Để giải quyết xung đột pháp luật về hình thức di chúc, Việt Nam áp dụng nguyên tắc Luật của nước nơi lập di chúc. Nếu công dân Việt Nam lập di chúc ở nước ngoài phải tuân theo những quy định của pháp luật nước ngoài về hình thức di chúc; nếu công dân nước ngoài lập di chúc ở Việt Nam thì bắt buộc phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức di chúc
Từ những phân tích ở trên kết hợp với thông tin bạn cung cấp thì có thể thấy, do chồng bạn là người nước ngoài cho nên nếu chồng bạn tiến hành lập di chúc ở Việt Nam, sẽ phải áp dụng pháp luật của Việt Nam về hìn thức di chúc.Về hình thức Di chúc Điều 649 Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội quy định như sau: Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập Di chúc bằng văn bản thì có thể Di chúc miệng.
* Nếu Di chúc được lập thành văn bản thì gồm có các nội dung sau: (Điều 653 BLDS)
- Ngày, tháng, năm lập Di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập Di chúc;
- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
- Di sản để lại và nơi có di sản;
- Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
- Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu Di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập Di chúc.
* Nếu Di chúc bằng miệng, người viết Di chúc không thể tự mình viết bản Di chúc: Phải có 02 người làm chứng, riêng những đối tượng sau không được làm chứng:
- Người thừa kế theo Di chúc hoặc theo pháp luật của người lập Di chúc;
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung Di chúc;
- Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự
Như vậy, có thể thấy rằng ở Việt Nam có giải quyết các vụ việc về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, trong trường hợp của bạn thì theo thông tin bạn cung cấp nếu chồng của bạn lập di chúc ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam về hình thức di chúc và chồng bạn sẽ thuộc trường hợp lập di chúc bằng văn bản vì chồng bạn vẫn đang khỏe mạnh nên không thuộc trường hợp phải lập di chúc bằng miệng.
Theo như ý kiến chúng tôi tư vấn thì chồng của bạn nên chọn hình thức lập di chúc theo khoản 3 Điều 650 Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội là " Di chúc bằng văn bản có công chứng" vì bản di chúc đã được công chứng khi làm thủ tục về thừa kế sẽ mặc nhiên là hợp pháp về mặt chủ thể, hình thức và nội dung của di chúc vì tổ chức hành nghề công chứng nhân danh nhà nước để xác thực giá trị pháp lý của bản di chúc.Nếu bản di chúc không có công chứng thì việc tiến hành các thủ tục về thừa kế sau này sẽ rất khó khăn vì những người yêu cầu làm thủ tục thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng phải chứng minh được bản di chúc đó là của người để lại di sản thừa kế lập một cách hợp pháp, chữ ký là đúng chữ ký của người để lại di sản. Điều này rất khó xác minh khi người để lại di sản đã chết,tuy nhiên khi lập di chúc có công chứng thì Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc theo khoản 1 Điều 56 Luật công chứng số 53/2014/QH13 của Quốc hội. Đối với việc lập di chúc bằng văn bản có công chứng thì bạn có thể xem thêm thủ tục lập di chúc tại Điều 658 Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội.
- Về chi phí,nếu như chồng của bạn tiến hành lập di chúc bằng văn bản có công chứng thì sẽ phải nộp phí công chứng theo quy định theo Thông tư liên tịch 115/2015/TTLT-BTC-BTP sửa đổi 08/2012/TTLT-BTC-BTC
3. Sửa đổi Mục 4,7, 8 khoản 3 Điều 2 như sau:
Số TT | Loại việc | Mức thu ( đồng/trường hợp ) |
4 | Công chứng hợp đồng ủy quyền | 50.000 |
7 | Công chứng việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch | 25.000 |
9 | Công chứng di chúc | 50.000 |
- Vậy nếu làm thủ tục công chứng di chúc mức phí sẽ là 50.000 đồng/trường hợp.
- Về giấy tờ khi chồng của bạn lập di chúc có công chúc thì văn phòng sẽ giới thiệu cụ thể những loại giấy tờ cần thiết và thủ tục,tuy nhiến chúng tôi xin giới thiệu sơ qua về một số giấy tờ cần có cơ bản như sau:
STT | TÊN GIẤY TỜ | SỐ LƯỢNG | QUY CÁCH |
1 | CMND + Hộ Khẩu của người để lại di chúc. | 01 | Bản chính + photo |
2 | CMND + Hộ Khẩu của người nhận di sản. | 01 | Bản chính + photo |
3 | Một trong các giấy tờ về tài sản của người để lại di chúc như: - GCN quyền sử dụng đất; - GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; - Cổ phiếu, - Đăng ký xe ô tô, - Xe mô tô và các giấy tờ có giá, các tài sản khác; | 01 | Bản chính + photo |
4 | Các giấy tờ về hộ tịch: - Đăng ký kết hôn, - Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; | 01 | Bản chính + photo |
5 | Nội dung định đoạt tài sản của người để lại di chúc. | 01 |
|
6 | Giấy khám sức khỏe tại BV thể hiện tình trạng sức khỏe của người để lại di chúc. | 01 | Bản chính |
Vậy, khi chồng bạn lập di chúc tại Việt Nam sẽ bắt buộc phải tuân theo pháp luật Việt Nam về hình thức di chúc thì mới có hiệu lực pháp lý và di chúc mới được coi là hợp pháp.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.