Vấn đề thừa kế thế vị.
24/04/2017 16:24
Thưa luật sư, cháu có vấn đề về việc hưởng tài sản đất đai nên kính mong luật sư tư vấn giúp cháu ạ. Ông bà nội cháu có mảnh đất từ ngày xưa, đứng tên bà nội cháu (nhưng chưa có sổ đỏ ạ). Ông cháu đã mất từ năm 1989, bà cháu năm nay cũng hơn 90 tuổi.
Ông bà cháu có tất cả 8 người con (4 con trai, 4 con gái) nhưng chỉ có bố cháu và chú cháu là ở cùng bà ( hai nhà trên cùng mảnh đất - đều chưa có sổ đỏ, phần nhà bên bố cháu là bố mẹ cháu xây, phần bên chú là chú thím xây), những người con còn lại đều có gia đình riêng ở nơi khác và không lấy phần đất đó. Tức là mảnh đất của ông bà giờ chỉ để chia cho hai người con trai là bố cháu và chú cháu. Bố cháu và chú cháu đều đã mất ( do tai nạn bất ngờ) bố cháu đã ly dị với mẹ cháu từ năm 1995. Cháu ở với bố, chị gái cháu ở với mẹ. Mẹ cháu cũng đã mất và hai chị em cháu cũng đã lấy chồng (chị cháu hiện tại đi lại khó khăn, chưa tìm được nguyên nhân, người ta chẩn đoán theo dõi liệt hai chân dưới) chú cháu có vợ và hai con (vợ chồng chú cháu không ly dị) hiện tại, mảnh đất đấy có bà, thím và hai người con của thím sử dụng (sử dụng luôn cả phần nhà do bố mẹ cháu xây dựng). Thím cháu muốn chiếm hết tài sản của ông bà cháu không muốn cho cháu thừa hưởng, thím còn tự lập di chúc bảo bà cháu điểm chỉ vào để cho con trai thím (bản di chúc không có người làm chứng). Vậy cháu xin được hỏi trong trường hợp này thì cháu với chị gái cháu có được hưởng phần đất mà trước đây bố mẹ cháu xây dựng lên không ạ? Cháu kính mong luật sư có thể trả lời giúp cháu.
Cháu cảm ơn!
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Đối với điều kiện mà một bản di chúc được coi là hợp pháp thì luật có quy định như sau
- Về người lập di chúc. Theo Điều 647, Bộ luật dân sự thì người lập di chúc phải thỏa mãn:
“1. Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.”
- Nếu đủ điều kiện về người lập di chúc ta xét thêm những trường hợp sau, nếu thỏa mãn thì bản di chúc sẽ được coi là hợp pháp:
“Điều 652. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.”
Vì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển giao tài sản của mình cho người khác sau khi qua đời, những người khác không có quyền cũng không có cơ sở pháp luật để thực hiện thay.
Trong trường hợp của bạn, thím của bạn đã có hành vi tự lập di chúc – có nội dung theo ý chí của thím chứ không phải theo ý chí người có tài sản (là bà bạn). Thêm nữa, sau khi lập di chúc lại bảo bà điểm chỉ tức là thím của bạn có thể đã lừa dối, cưỡng ép bà để bà bạn làm theo lời thím. Vì những lý do như vậy, bản di chúc này hoàn toàn không hợp pháp, chị em bạn hoàn toàn có thể được thừa kế trong những trường hợp.
- Trường hợp thừa kế theo di chúc bà bạn lập một bản di chúc khác có đủ điều kiện theo Điều 652, Bộ luật dân sự. Trong đó có nội dung là để lại thửa đất cho chị em bạn.
- Trường hợp thừa kế theo pháp luật, nếu trước khi mất bà của bạn không để lại di chúc phân chia tài sản thì phần tài sản của bà bạn (kể cả mảnh đất) sẽ được chia theo pháp luật. Tại thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết thì những người sau là đối tượng được thừa kế theo pháp luật của bà bạn:
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Khoản 3, Điều 676 có quy định những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước. Bà bạn vẫn còn 6 người con đẻ - đây sẽ là đối tượng ở hàng thừa kế đầu tiên được hưởng di sản của bà bạn. Tuy nhiên, nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người thân thuộc của người để lại di sản thì, pháp luật lại quy định thêm:
“Điều 677. Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Thừa kế thế vị là trường hợp thừa kế đặc biệt. Vì bố của bạn (là người con) đã chết trước bà của bạn nên chị em bạn có thể được thừa kế thế vị thay cho bố mình và cùng được hưởng được phần di sản bố bạn sẽ được hưởng nếu còn sống. Nếu muốn hưởng phần đất mà trước đây bố mẹ bạn xây dựng thì chị em bạn cần đặt vấn đề thỏa thuận với những người thừa kế theo pháp luật khác của bà bạn để nhận mảnh đất đấy.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!