Vấn đề pháp lý khi vay tiêu dùng tại ngân hàng
13/05/2017 10:31Tôi sống ở TP. Hồ Chí Minh.Vừa qua, tôi có đăng ký vay tiêu dùng qua Hợp đồng Bảo hiểm Nhân Thọ tại một công ty tài chính thuộc Ngân hàng thương mại A (bằng cách điền thông tin vào from online trên website). Số tiền dự định vay là 20 triệu. Sau đó, một nhân viên của Ngân hàng A chủ động liên lạc với tôi qua điện thoại (cô này chỉ xưng tên là Thu, sử dụng số di động cá nhân, không xưng đầy đủ họ và chức danh). Hỏi thông tin và yêu cầu tôi scan, gửi các giấy tờ, thông tin cần thiết qua email mà cô ấy cung cấp (chỉ là email cá nhân, sử dụng dịch vụ gmail). Sau đó, có một người xưng là nhân viên của Ngân hàng A khác gọi vào điện thoại của tôi để xác minh thông tin, sau đó gửi tin nhắn thông báo rằng trường hợp vay của tôi đã được giải ngân. Sau đó 24h, cô Thu có gọi báo tôi cầm CMND ra Bưu điện bất kỳ đề nhận tiền. Trước đó, tôi chưa từng nhận được bất cứ văn bản nào (dù là qua email) đề cập đến hợp đồng vay, gồm lộ trình thanh toán, lãi suất, cam kết ràng buộc... mà chỉ nghe lời tư vấn của cô Thu qua điện thoại (do cô Thu ở Hà Nội). Tôi có yêu cầu cô Thu gửi cho tôi Hợp đồng để xem và ký trước, rồi tôi mới nhận tiền. Tuy nhiên, cô này không đồng ý và nói khi đến nhận tiền sẽ được xem và ký các văn bản cần thiết luôn. Tôi thấy có sự mập mờ vì người vay không hề biết gì về nhân viên tư vấn, về hợp đồng, lãi suất thì chỉ được nói miệng... nên đã quyết định không vay nữa, không đến nhận tiền. Hợp đồng tôi chưa ký, tiền tôi chưa nhận... Tôi có liên lạc đến tổng đài của Ngân hàng A, thì họ nói là mọi vấn đề tôi hãy làm việc với nhân viên tư vấn ban đầu (tức cô Thu). Luật sư cho tôi hỏi tôi có làm gì phạm luật không? Và trong tương lai nếu tôi có nhu cầu vay tiền ngân hàng thì có bị ảnh hưởng gì không?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Thứ nhất, khi bạn tiến hành đăng kí vay tiêu dùng vào from online trên website của Ngân hàng thì đây không được coi là một hợp đồng cho vay. Bởi theo quy định tại Điều 388 Bộ luật Dân sự thì: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Ở đây, khi bạn tiến hành đăng kí vay tiêu dùng thông qua website của Ngân hàng chỉ được coi là việc bạn xác nhận các thông tin cá nhân, cũng như đưa ra yêu cầu của mình. Việc bạn đăng kí vay tiền chỉ được coi là một hình thức trao đổi thông tin giữa bạn và Ngân hàng.
Thứ hai, bạn và Ngân hàng chưa hề kí kết hợp đồng vay tiền vì thế hai bên không hề có quyền và nghĩa vụ gì với nhau trong trường hợp này. Việc bạn có vi phạm pháp luật hay không thì phải xem xét trên cơ sở bạn có vi phạm hợp đồng vay tiền hay không? Theo quy định tại Điều 401 Bộ luật Dân sự 2005 thì hình thức của hợp đồng được quy định như sau:
“1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự 2005 thì hợp đồng vay tài sản được quy định như sau:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Như vậy, theo quy định trên thì hợp đồng vay tài sản có thể thực hiện bằng lời nói, hành vi cụ thể hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, ở đây bạn đang tiến hành việc vay vốn tiêu dùng của Ngân hàng thì hợp đồng vay giữa bạn và ngân hàng phải được lập thành văn bản. Như thông tin bạn cung cấp thì giữa bạn và Ngân hàng chưa hề có thỏa thuận gì về hợp đồng vay này như các vấn đề về lãi suất, thời hạn thanh toán…cũng như chưa hề kí kết hợp đồng. Như vậy, hợp đồng giữa bạn và Ngân hàng chưa hề được kí kết vì thế các bên trong hợp đồng chưa có các quyền và nghĩa vụ gì đối với nhau.
Vì thế, trong trường hợp này, nếu cảm thấy chưa thật sự tin tưởng cũng như không hài lòng về cách làm việc của Ngân hàng bạn có thể không vay tiền tại ngân hàng này nữa. Bạn hoàn toàn có quyền vay tiền tại các Ngân hàng khác mà không bị ảnh hưởng gì.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.