Va chạm khi tham gia giao thông có phải bồi thường hay không?
10/05/2017 09:07Ngày 25 tháng 6 năm 2016 tôi đủ 16 tuổi. Sáng ngày 30 tháng 6 năm 2016 khi đang trên đường tham gia giao thông. Tôi có xi nhan sang đường. Và đang sang đường thì một người đang chạy thẳng đã đâm vào xe tôi. Làm tôi và xe ngã ra đường. Còn người kia mất lái đã đâm vào cột điện rồi ngất xỉu. Hiện đang nằm bệnh viện. Tôi không có bằng lái. Xe không chính chủ và hiện tại bị giam giữ. Tôi muốm hỏi tôi có phải bồi thường không và mức xử phạt là như thế nào? Xin cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Về trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm bồi thường có thể phải thực hiện trong trường hợp này là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005. Theo Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005:
"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó."
Việc điều khiển xe khi chưa đủ điều kiện về tuổi là hành vi trái pháp luật. Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2005:
"1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại."
Xe gắn máy là nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu như, chủ sở hữu xe máy giao để sử dụng mà gây tai nạn thì người điều khiển xe phải bồi thường thiệt hại trừ khi có thỏa thuận khác với chủ sở hữu xe. Nếu như người sử dụng xe chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật xe thì phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu như chủ sở hữu xe có lỗi dẫn đến việc chiếm hữu, sử dụng trái phép xe thì chủ sở hữu phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, nếu như thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì bạn không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Theo khoản 2 Điều 606 Bộ luật dân sự năm 2005:
"Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình"
người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường, việc bồi thường sẽ sử dụng bằng tài sản của người gây thiệt hại, nếu như không đủ để bồi thường thì cha, mẹ người gây thiệt hại phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Trường hợp người kia đi thẳng không chú ý quan sát, chạy với tốc độ nhanh hay cũng có lỗi trong trường hợp này thì trách nhiệm bồi thường sẽ đạt ra đối với 2 bên.
Về trách nhiệm hành chính, theo khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 21 Nghị định 171/2013/NĐ-CP:
"2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
...
4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;".
Có thế bị phạt tiền về các hành vi điều khiển xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, không đủ tuổi điều khiển xe theo quy định.
Ngoài ra, nếu như người điều khiển xe có lỗi trong việc gây ra tai nạn do không chú ý quan sát, thì căn cứ vào mục c khoản 6 Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP: "Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; tránh, vượt không đúng quy định gây tai nạn giao thông hoặc không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông" bạn có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.