Tuổi đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phân chia thừa kế đất đai.
05/04/2017 15:44
Nhà chồng tôi có 3 mảnh đất, chưa chia tài sản cho con cái, hiện tại vẫn do mẹ chồng đứng tên. Nay mẹ chồng lớn tuổi, địa phương không cho đứng tên quyền sở hữu là đúng hay sai. Mẹ chồng tôi muốn để anh trai đứng tên toàn bộ.
Vậy việc chia tài sản cho các con trong gia đình sẽ như thế nào?
Tờ di chúc của mẹ tôi để lại có còn hiệu lực pháp luật hay không khi anh trai đã đứng tên?
Xin cảm ơn!
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Thứ nhất, việc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mẹ chồng bạn:
Căn cứ Điều 5 Luật đất đai 2013 quy định về người sử dụng đất như sau:
"Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:
1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);
2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);
3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;
4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;
5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư."
Điều 20 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“Điều 20. Người thành niên
1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.”'
Theo quy định trên thì cá nhân có quyền đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không quy định hạn chế về tuổi đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ khi mẹ chồng bạn thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Do đó Ủy ban nhân dân xã không cho mẹ chồng bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do tuổi cao là không đúng quy định pháp luật. Gia đình bạn cần làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường nơi có đất để yêu cầu giải trình sự việc.
Thứ hai, Việc cho anh trai chồng bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Theo thông tin bạn cung cấp, nhà chồng bạn có 3 công đất, chưa chia tài sản cho con cái, hiện tại vẫn do mẹ chồng đứng tên. Tuy nhiên, bạn không nêu rõ số đất này là tài sản riêng của mẹ chồng bạn hay đây là tài sản chung của mẹ chồng và bố chồng bạn. Do đó, chia thành 2 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Số đất này là tài sản riêng của mẹ chồng bạn:
Theo quy định Luật đất đai 2013, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Điều 164 Bộ luật dân sự 2005, quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu số đất này là tài sản riêng của mẹ chồng bạn, mẹ chồng bạn hoàn toàn có quyền định đoạt quyền sử dụng đất này như tặng cho, chuyển quyền sử dụng đất,...
- Đối với trường hợp mẹ chồng ủy quyền cho người anh trai chồng đứng tên. Việc anh trai chồng bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ là đại diện, thay mặt mẹ chồng bạn trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, nội dung di chúc của mẹ chồng bạn vẫn có hiệu lực pháp luật. Khi mẹ chồng bạn mất thì việc phân chia tài sản sẽ thực hiện theo di chúc.
- Đối với trường hợp mẹ chồng bạn tặng cho quyền sử dụng đất cho người anh trai chồng. Như vậy, đây sẽ là tài sản hợp pháp của anh chồng bạn. Do đó, mẹ chồng bạn mất có để lại di chúc thì di chúc sẽ không có hiệu lực.
Trường hợp 2: Số đất này là tài sản chung của mẹ chồng và bố chồng bạn:
Trong trường hợp này, bạn không nêu rõ bố chồng bạn có còn sống hay không? Nếu bố chồng bạn vẫn còn sống, việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất phải có sự đồng ý của bố chồng bạn.
Nếu bố chồng bạn đã mất thì cần xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố chồng bạn theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 gồm: cha mẹ, vợ, con (con đẻ, con nuôi) thì việc ủy quyền, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trong trường hợp này phải cần phải có sự đồng ý của tất cả những người này.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về nội dung bạn đang thắc mắc. Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia các vụ án hình sự, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.