Trường hợp nào được xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
04/05/2017 15:18Chào văn phòng luật sư ! Em có vấn đề muốn luật sư tư vấn giúp em cụ thể: nhận thấy vùng quê em sản xuất hàng nông sản, chất lượng nhiều người biết đến, nhưng để quảng bá hình ảnh cũng như thương hiệu chưa ai đứng làm, nhận thấy nhu cầu tất yếu mà xã hội cần cũng như muốn xây dựng thương hiệu trên quê hương, em muốn đóng gói sản phẩm đó nhưng phần trên em ghi sản phẩm + tên địa phương, dưới em ghi cơ sở sản xuất, đóng gói, nếu như vậy có cần đăng kí nhãn mác cũng như thương hiệu ko? hay khi mình không lấy tên địa phương thì mới phải đăng ký. vì nếu lấy tên cơ sở em thì mất thời gian để quảng bá, thay vì em lấy luôn tên địa phương trên đầu. xin văn phòng luật sư tư vấn giúp em, em cảm ơn?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Theo khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”. Chúng tôi hiểu rằng, bạn đang có nhu cầu muốn tạo dựng và sử dụng chỉ dẫn địa lý cho hàng nông sản của địa phương.
Trước tiên, điểm a khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu trị tuệ 2005 quy định cụ thể:
“a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;”
Theo đó, chỉ dẫn chỉ được bảo hộ trên cơ sở một văn bằng bảo hộ hợp pháp. Tuy nhiên theo như bạn cung cấp thì vẫn chưa được chủ thể nào đăng ký dưới hình thức chỉ dẫn địa lý cho nông sản ở địa phương bạn. Do đó, việc bạn sử dụng một dấu hiệu mang tính chất chỉ dẫn địa lý: tên sản phẩm kèm theo tên địa phương trên bao bì sản phẩm của mình là không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý nên đây là hành vi hoàn toàn hợp pháp.
Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi bản thân cũng như những người sản xuất nông nghiệp ở địa phương bạn thì chỉ dẫn địa lý đó nên được đăng ký theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Không phải mọi nhóm đối tượng đều có thể được bảo hộ với tư cách là một chỉ dẫn địa lý. Mục 1 chương VII Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý như sau:
“Điều 79. Điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
2. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.”
Điều 80. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý
“Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:
1. Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam;
2. Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;
3. Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;
4. Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.”
Điều 81. Danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý
“1. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
2. Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.”
Điều 82. Điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý
“1. Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
2. Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.
3. Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.”
Điều 83. Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý
“Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ”
Dựa vào những quy định nêu trên, bạn có thể đánh giá khả năng chỉ dẫn địa lý cho hàng hóa nông sản tại địa phương bạn có được cấp văn bằng bảo hộ hay không? Nếu chỉ dẫn địa lý cho nông sản ở địa phương đáp ứng đủ điều kiện để được đăng ký bảo hộ thì bạn có thể tự mình thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ nếu được sự đồng ý của Nhà nước theo quy định tại Điều 88 Luật sở hữu trí tuệ 2005.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý bao gồm:
“a) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
b) Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật này;
c) Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
d) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
đ) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
e) Chứng từ nộp phí, lệ phí.”
Điều 106. Yêu cầu đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
“1. Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định chỉ dẫn địa lý cần bảo hộ trong đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý bao gồm:
a) Tên gọi, dấu hiệu là chỉ dẫn địa lý;
b) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
c) Bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và các yếu tố đặc trưng của điều kiện tự nhiên tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm đó (sau đây gọi là bản mô tả tính chất đặc thù);
d) Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
đ) Tài liệu chứng minh chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại nước có chỉ dẫn địa lý đó, nếu là chỉ dẫn địa lý của nước ngoài.
2. Bản mô tả tính chất đặc thù phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Mô tả loại sản phẩm tương ứng, bao gồm cả nguyên liệu thô và các đặc tính lý học, hoá học, vi sinh và cảm quan của sản phẩm;
b) Cách xác định khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
c) Chứng cứ về loại sản phẩm có xuất xứ từ khu vực địa lý theo nghĩa tương ứng quy định tại Điều 79 của Luật này;
d) Mô tả phương pháp sản xuất, chế biến mang tính địa phương và có tính ổn định;
đ) Thông tin về mối quan hệ giữa tính chất, chất lượng đặc thù hoặc danh tiếng của sản phẩm với điều kiện địa lý theo quy định tại Điều 79 của Luật này;
e) Thông tin về cơ chế tự kiểm tra các tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm.”
Hồ sơ đăng ký cần được gửi đến Cục sở hữu trí tuệ đặt tại Hà Nội hoặc các văn phòng đại diện đặt tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng. Đơn đăng ký sẽ được thẩm định về mặt hình thức trong vòng 01 tháng kể từ ngày nộp đơn và được thẩm định về mặt nội dung trong thời gian không quá 06 tháng kể từ ngày đơn được công bố
Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng, cho dù bạn thực hiện việc đăng ký bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý cho nông sản địa phương mình nhưng theo quy định tại khoản 4 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam là Nhà nước. Bạn cũng cần lưu ý rằng, chỉ dẫn địa lý cho nông sản ở địa phương bạn phải chịu sự quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 19 Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và khoản 2 điều 1 Nghị định 122/2010/NĐ-CP Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp quy định về thực hiện quyền sở hữu của Nhà nước đối với chỉ dẫn địa lý như sau:
“1. Cơ quan, tổ chức có quyền quản lý chỉ dẫn địa lý quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp chỉ dẫn địa lý thuộc một địa phương;
b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đại diện theo uỷ quyền của các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nơi có khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp chỉ dẫn địa lý thuộc nhiều địa phương;
c) Cơ quan, tổ chức được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý với điều kiện cơ quan, tổ chức đó đại diện cho quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý được phép thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý quy định tại khoản 2 Điều 123, Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ.s
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định các loại đặc sản, các đặc tính của sản phẩm, quy trình sản xuất các các đặc sản mang chỉ dẫn địa lý thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành nộp đơn đăng ký và tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản của địa phương và cấp phép để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tiêu chí xác định địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm.”
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.