Tranh chấp mâu thuẫn nhỏ nhưng có hành vi vô ý gây thương tích thì bị xử lý thế nào?
15/05/2017 22:10
Hôm trước, vào lúc 7h sáng ngày 1/7/2013, khi chồng tôi ( Đ) đang ngồi gịăt quần áo ở sân trước nhà thì có làm vương vãi 1 ít nước ra ngõ đi chung. Thấy vậy, ông N liền chửi bới chồng tôi và dùng gạch đá ném vào trong sân nhà tôi. Chồng tôi liền điện thoại cho bố đẻ của tôi vào nói chuyện với chú vì nghĩ rằng người lớn nói chuyện với nhau sẽ dễ hơn, dù gì bố cũng là anh của chú. Khi bố tôi vào thì giữa bố tôi (T) và chú (N) xảy ra cãi vã dẫn đến đánh nhau. Thấy vậy bác của tôi (là anh của bố và chú) là ông L, xông vào ôm bố tôi từ sau lưng để chú tôi có cơ hội dùng gậy và gạch tấn công bố tôi. Khi nghe thấy tiếng bố tôi kêu lên : “Đ ơi! Ông L giữ bố để cho ông N đánh rồi”. Chồng tôi ở trong nhà chạy ra ngõ thì thấy hiện trường như vậy, chồng tôi( Đ) liền ra can. Lôi tay bác ra để cho bố tôi chạy tránh đòn của chú, trong lúc vùng vẫy, tay của bố tôi có húc vào bụng của bác.Can 3 người xong, thấy bố tôi bị thương khá nặng vào đầu và mắt, gia đình tôi vội đưa bố tôi vào bệnh viện. Cùng lúc đó bác tôi cũng kêu đau bụng vào viện, bác sĩ kết luận bác tôi bục dạ dày phải mổ , nhưng bác sĩ mổ hôm đó chuẩn đóan rằng : “Bác bị bệnh cũ tái phát chứ không phải do đánh nhau”. Nhà bác tôi đâm đơn kiện chồng tôi ( Đ) và nói rằng do Đ dùng chân đạp vào bụng bác.
Hôm sau, CA xã triệu tập chồng tôi lên lấy lời khai, công an viên do được nhà bác tôi “nhờ cậy” nên khi hỏi cung đã có nhiều tình huống không công bằng chấp chính, dẫn dắt hòng bắt nhà tôi phải nhận tội mà chúng tôi không làm. Họ còn bắt chồng tôi ký tên vào nhiều giấy tờ như thể chồng tôi là tội phạm.Anh con rể nhà bác tôi ( ông L) còn bóng gió nói đe dọa chồng tôi là : “Nhà anh ấy có quyền, có tiền, có quan hệ…nếu chúng tôi không nhận tội, bồi thường cho bác thì anh ấy sẽ đưa bác tôi đi giám định sức khỏe làm sao để cho bác ấy mất thật nhiều % vì anh ấy có tiền để quan hệ. Mặt khác gia đình bác còn tìm những người làm chứng có thể gây bất lợi cho chồng tôi nữa.
Xin luật sư cho tôi biết, tình huống xấu nhất có thể xảy ra với chồng của tôi và bố tôi là gì ?
Trân trọng cám ơn !
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính.
Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Theo như bạn trình bày thì chồng của bạn tức là Đ không hề có hành vi đạp vào bụng ông L, vì vậy bạn không cần lo lắng về việc gia đình ông L kiện chồng bạn. Bạn trình bày về việc công an viên xã bạn bắt chồng bạn ký và các giấy tờ, tuy nhiên bạn không nói rõ đó là giấy tờ gì, nếu các giấy tờ mà công an viên bắt bạn ký là sai sự thật thì các công an viên đó đã vi phạm quy định của pháp luật.
Trường hợp của ông T.
Thứ nhất, theo như lời trình bày của bạn, ông T và ông N xảy ra cãi vả rồi đánh nhau, như vậy ông T sẽ bị xử phạt hành chính về việc vi phạm quy định về trật tự công cộng. Điểm a, khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;
b) Báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng;
d) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác;
đ) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;
e) Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác;
g) Thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả “đèn trời”;
h) Sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở các bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác.
Như vậy việc ông T đánh nhau sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Thứ hai, hành vi đánh nhau của ông T có thể xem xét tội vô ý gây thương tích theo Điều 108 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009.
Điều 108. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo như bạn trình bày, việc húc tay vào bụng ông L của ông T là vô ý như vậy hành vi của ông T có thể bị xác định là tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tai Điều 108 Bộ luật hình sự.
Bộ luật hình sự nếu tỉ lệ thương tật của ông L do ông ông T gây ra là trên 31% . Như vậy ông T có thể bị truy cứu hình sự về tội này, và có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Thứ ba, hành vi đánh nhau gây thương tích có thể xem xét tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005. Điều 604 quy định:
Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Điều 616. Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra
Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Điều 617. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi
Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.
Theo quy định tại Điều 616 và Điều 617 Bộ luật dân sự 2005, có thể thấy, trong trường hợp này, việc đánh nhau gây thương tích giữa ông T, ông L, ông N đều có lỗi của các bên. Do vậy, trong trường hợp này, ông T chỉ phải bồi thường thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.