Tranh chấp hợp đồng vay tín dụng. Lãi suất đối với loại hợp đồng vay tín dụng
04/05/2017 14:47Xin hỏi tôi có làm hợp dồng vay ngân hàng VPbank tín dụng theo lương.sau khi làm hợp dồng thì mức lãi xuất không như lúc đầu. Cụ thể là tôi vay 80 triệu trả góp 48 tháng mỗii tháng phải đóng 2 triệu 700 ngàn, nhưng khi hoàn thành thủ tục thi mức lải phải tra là 3 triệu 200 ngàn. Tôi không đồng ý vay và xin hủy hợp đồng thì bên ngân hàng không chịu.sau dó tôi lên ngân hàng kiẻm tra thì vẫn chưa có tiền trong tài khoản. Tôi nghĩ ngân hàng chỉ tạo ap luc buộc tôi nhận nợ mà thôi, cụ thế hàng tháng ngân hàng gửi tin nhắn báo lải hàng tháng cho tôi trong khi tôi chưa nhận được tiền của ngân hàng. Vây xin hỏi tôi có mắc nợ ngân hàng hay không và sau này hết hạn hơp dồng thì tôi có bi kiện tụng gì hay không ạ?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Thứ nhất, về việc thay đổi mức lãi suất của hợp đồng vay. Điều 476 Bộ luật dân sự 2005 quy định về lãi suất của hợp đồng vay tài sản như sau:
“Điều 476. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”
Theo đó, về cơ bản thì mức lãi suất đều được các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng vay, do đó với lượng thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi không có đủ căn cứ để đưa ra kết luận rằng việc tăng mức lãi suất của ngân hàng là đúng hay sai? Bạn cần căn cứ vào nội dung các điều khoản cụ thể của hợp đồng vay mà bạn đã ký với Ngân hàng để biết mức lãi suất chính thức được áp dụng. Nếu mức lãi suất thực tế ngân hàng thông báo đến bạn cao hơn mức lãi suất mà hai bên đã thỏa thuận thì việc làm này hoàn toàn trái pháp luật và bạn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa để yêu cầu bảo vệ quyền lợi.
Thứ hai, về việc Ngân hàng không thực hiện việc chuyển tiền vay vào tài khoản của bạn.
Cùng với những nghĩa vụ được quy định cụ thể trong hợp đồng, với tư cách là bên cho vay, Ngân hàng có nghĩa vụ tuân thủ những nghĩa vụ được quy định tại Điều 473 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
“Điều 473. Nghĩa vụ của bên cho vay
Bên cho vay có các nghĩa vụ sau đây:
1. Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thoả thuận;
2. Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó;
3. Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 478 của Bộ luật này.”
Theo quy định tại khoản 1 nêu trên thì Ngân hàng có nghĩa vụ phải thực hiện việc chuyển khoản số tiền vay là 80 triệu đồng cho bạn tại thời điểm hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, như bạn cung cấp thì sau nhiều lần kiểm tra bạn vẫn chưa nhận được số tiền 80 triệu trên từ phía Ngân hàng, nếu đúng như vậy thì Ngân hàng đã có hành vi vi phạm nghĩa vụ và nếu chứng minh được việc vi phạm này gây ra thiệt hại về kinh tế cho mình thì bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về hành vi chậm thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài sản vay.
Thứ ba, về hiệu lực hợp đồng vay của bạn.
Điều 405 Bộ luật dân sự 2005 quy định về Hiệu lực của hợp đồng dân sự như sau:
“Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Pháp luật về dân sự không có quy định cụ thể về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng vay tài sản nên theo quy định trên thì nếu trong hợp đồng không có quy định cụ thể thì hợp đồng vay của bạn có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm ký kết. Khi hợp đồng dân sự bước vào thời kì có hiệu lực pháp luật thì các bên có nghĩa vụ thực hiện các nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng và theo quy định cụ thể có liên quan của pháp luật. Đối với hợp đồng vay tài sản, về mặt logic nghĩa vụ giao tài sản vay buộc phải thực hiện trước nghĩa vụ trả tài sản vay, do đó, nếu bạn chưa nhận được tiền cho vay từ ngân hàng thì đương nhiên không đặt ra nghĩa vụ thanh toán nợ của bạn.
Thứ tư, nếu vụ việc được đưa ra Tòa án để giải quyết. Bạn cần chuẩn bị những căn cứ chứng minh cho việc Ngân hàng không có căn cứ để áp dụng mức lãi suất cao hơn mức lãi suất hai bên đã thỏa thuận đồng thời cần kiểm tra và có căn cứ rõ ràng chứng minh được việc Ngân hàng không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ chuyển giao số tiền vay 80 theo nội dung hợp đồng.
Tóm tại, trong trường hợp của bạn nên đến trực tiếp ngân hàng để làm rõ việc ngân hàng chưa chuyển tiền vay cho bạn và lý do tăng mức lãi suất. Nếu hai bên không giải quyết được thì khi đó bạn có thể làm đơn lên Tòa án nhờ giải quyết.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.