Tranh chấp đất đai, tranh chấp về lối đi chung.
27/04/2017 16:27
Luật sư cho con hỏi 1 vấn đề về tranh chấp đất đai.
Gia đình tôi có diện tích đất ở là 868.9m vuông. Kế bên gia đình tôi có 1 con đường thuộc chủ quyền đất của gia đình.
Hôm trước gia đình tôi rào hàng rào lại nhưng vẫn để lại lối đi, nhưng 2 gia đình đi đất của tôi không cho mẹ tôi rào mà đòi phá dỡ với lý do đất chung .
Tôi muốn hỏi nếu bây giờ tôi rào hết con đường đó lại đúng với sổ đỏ đất của gia đình con thì có được hay không.
Mong luật sư giúp con giải đáp thắc mắc.?
Trân trọng cảm ơn!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Theo quy định tại Điều 166 Luật đất đai 2013 quy định về quyền của người sử dụng đất như sau:
"1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai."
Do vậy đối với những người có quyền sử dụng đất, nhà nước sẽ đảm bảo việc thực hiện quyền của họ bằng cách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đồng thời được bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình. Việc trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua các hình thức như: Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất; Quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; Công nhận quyền sử dụng đất.
Công nhận quyền sử dụng đất của nhà nước đối với người sử dụng đất được thể hiện bằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Như vậy đối với những người đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình. Những hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 10 Điều 12 Luật đất đai 2013 sẽ bị nhà nước nghiêm cấm thực hiện:
"1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai
10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật."
Vậy nên việc hai gia đình cản trở việc nhà bạn rào đất đã vi phạm vào Khoản 1 và Khoản 10 Điều 12 khi lấn chiếm và cản trở gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền sử dụng đất của gia đình bạn.
Tuy nhiên theo Điều 273, Bộ luật Dân sự quy định về quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề:
“Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác.”
Và Điều 275, Bộ Luật dân sự quy định về Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề:
“1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”
Vì vậy hai gia đình mà có đất bị bao bọc bởi đất của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi thì có quyền yêu cầu gia đình bạn dành cho họ một lối đi ra đến đường công cộng, đồng thời họ phải đền bù cho bạn một cách hợp lý nhất nếu như không có thỏa thuận khác. Và chiều dài, rộng, cao được các bên thỏa thuận để đảm bảo thuận tiện nhất cho các bên. Và bạn không được quyền rào hết số đất của gia đình theo như trong sổ đỏ nếu hai hộ kia không còn lối đi nào khác. Nếu như có tranh chấp xảy ra thì các bên có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn.Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.