Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh. Quy định về phạm vi bảo lãnh.
27/04/2017 16:18
Gia đình em có đứng tên bảo lãnh cho Công ty xây dựng Thái Hòa vay Ngân hàng Đầu tư và phát triển 2,5 tỷ đồng từ năm 2011, tài sản thế chấp là sổ đỏ gia đình. Tuy nhiên công ty này làm ăn không hiệu quả, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng và thỏa thuận trả tài sản cho gia đình.
Gia đình đã nhiều lần đòi nhưng Công ty thay đổi nhân sự liên tục, không đòi được, kể cả việc gia đình liên hệ với Tập đoàn Thái Hòa là Công ty mẹ. Hiện nay, Ngân hàng đầu tư nộp đơn Tòa án để giải quyết thu hồi nợ bằng việc tịch thu tài sản thế chấp là ngôi nhà gia đình em. Xin luật sư tư vấn giúp gia đình.?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Do không rõ là việc bạn thế chấp căn nhà của mình để bảo đảm nghĩa vụ của người khác hay bạn thế chấp căn nhà để đảm bảo nghĩa vụ bảo lãnh nên tùy vào từng trường hợp thì cách giải quyết sẽ khác nhau. Căn cứ quy định tại Điều 317 Bộ luật dân sự 2015 về thế chấp tài sản :
"1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp."
Đồng thời, theo quy định tại Điều 320 Bộ luật dân sự 2015 về nghĩa vụ của bên thế chấp:
"1. Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
2. Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp.
3. Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.
4. Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
5. Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.
6. Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.
7. Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.
8. Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này."
Trường hợp bạn bảo lãnh cho công ty vay theo quy định tại Điều 335, Điều 336 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
"Điều 335. Bảo lãnh
1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Điều 336. Phạm vi bảo lãnh
1. Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.
2. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
4. Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại."
Có thể thấy, nếu bạn thuộc trường hợp dùng tài sản của mình để thế chấp bảo đảm nghĩa vụ cho người khác mà người này không thực hiện được nghĩa vụ này thì ngân hàng sẽ có quyền xử lý tài sản bạn đã thế chấp theo phương thức thỏa thuận từ trước hoặc nếu không có thỏa thuận thì ngân hàng sẽ có quyền phát mãi tài sản này và bán đấu giá để thanh toán nghĩa vụ chính của người mang nghĩa vụ. Nếu là trường hơp bạn dùng tài sản thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì khi người có nghĩa vụ chính không thực hiện nghĩa vụ thì bạn với tư cách là người bảo lãnh phải đứng ra để thực hiện nghĩa vụ thay cho người này, và khi bạn cũng không có khả năng thực hiện thì ngân hàng lúc đó mới có quyền xử lý tài sản thế chấp.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.