Trách nhiệm bồi thường thiệt hại - Căn cứ phát sinh ?
27/04/2017 15:26
Em chạy xe trên đường, trong lúc vượt nhanh bên phải thì va chạm với xe có ý rẽ vào lề nhưng không bật xi-nhan, khi em té xuống đường thì vô tình lại va chạm với người mang bầu nhưng nhìn có vẻ nhẹ, chị bảo là bị đau bụng nên em đưa vào bệnh viện.
Kết quả sau khi chụp khám thai là bình thường và không có chỉ định thêm của bác sĩ là phải nhập viện để theo dõi nhưng chị lại bảo ứng trước cho chị 1tr để chị nhập viện vì sợ ảnh hưởng đến thai.
Luật sư cho em hỏi:
- Thứ nhất: Chi phí điều trị mà không có chỉ định của bác sĩ thì em có trách nhiệm phải bồi thường hay không?
- Thứ hai: Khi bồi thường chi phí thì phải có hóa đơn chứng minh chi phí có đúng hay không?
- Thứ ba: Trong lúc em vắng mặt chị tự ý thanh toán chi phí là 930.000, do không đủ nên lại mượn tiền những người trong bệnh viện là 100k, nhưng thực chất là chi phí chỉ có 350000 và không có hóa đơn 930.000, chị bắt buộc em phải bồi thường số tiền trên.
Hỏi như vậy là có bị quy vào tội lừa đảo hay không và mức xử phạt dựa vào số tiền lừa đảo là như thế nào?
Cám ơn luật sư!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo dữ liệu bạn đưa ra thì bạn đang điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên đường đồng thời có hành vi vượt nhanh và đã gây tai nạn cho người phụ nữ đang mang thai. Như vậy, có thể thấy rằng trong trường hợp này, bạn là người có hành vi có lỗi, có hành vị trái pháp luật và gây ra thiệt hai do đó, theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì hành vi này của bạn đã phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
"Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó."
Khoản 5 Mục I Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP quy định như sau:
"5. Nghĩa vụ chứng minh của các đương sự
a) Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại.
b) Người gây thiệt hại yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại phải có tài liệu, chứng cứ về khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình không đủ để bồi thường toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đã xảy ra.
c) Người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại phải có đơn xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại. Kèm theo đơn là các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ cho việc xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại.
d) Việc chứng minh không có lỗi thuộc nghĩa vụ của người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại."
Như vậy, tất cả những khoản thiệt hại mà người bị thiệt hại yêu cầu bạn phải bồi thường đều phải có chứng từ, giấy biên nhận hợp lệ. Nếu người bị thiệt hại không có chứng từ, giấy biên nhận hợp lệ thì bạn không phải bồi thường.
Đối với khoản chi phí mà người bị thiệt hại nói với bạn là đã thanh toán 930.000 VNĐ, tuy nhiên, thực chất là chi phí chỉ có 350000 và không có hóa đơn 930.000, trong trường hợp này nếu người bị thiệt hại chưa từng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản thì người bị thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính, cụ thể Điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;.."
Nếu người bị thiệt hại đã từng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vị chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009:
"Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.