Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi phá hoại tài sản của người khác
03/05/2017 15:20Cha em uống rượu say quậy gia đình nên em và mẹ dọn ra ngoài ở cũng gần 2 năm. Cha có bệnh tai biến nên người nóng nảy, vì buồn nên đã quyết định tự tử bằng việc đốt nhà. Nhà em ở giữa (nhà lá) và không có vách nhà, nên cha đốt vách nhà bà Phương(nhà kế bên chung 1 vách nhà).Vụ cháy làm nhà bà Phương thiệt hại căn nhà bếp bằng lá, đồ có giá trị đã được lấy ra . Cha em do vậy mà bị thương hiện tại đi lại không được. Lúc đầu nhà bà Phương nói với công an không thưa gửi gì cả.Nhưng về sau bà Phương lên công an xã yêu cầu nhà em bồi thường 10.000.000đ nhưng bên xã chưa có động thái gì cả (hiện tại 2 nhà em với bà Phương đã được nhà chùa hỗ trợ cất nhà xong) .Vậy cho em hỏi: theo pháp luật số tiền bồi thường 10.000.000Đ nhà em có phải trả không? Nếu không trả thì cha em phải chịu trách nhiêm gì?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Vấn đề bạn cần tư vấn ở đây liên qua đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Bộ luật dân sự 2005. Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó".
Như vậy, hành vi đốt nhà của cha bạn gây cháy bếp hàng xóm đã xâm phạm đến tài sản của nhà hàng xóm mà cụ thể ở đây là nhà bà Phương nên cha bạn là người phải bồi thường trong trường hợp này.
Về việc xác định thiệt hại, Điều 608 Bộ luật dân sự 2005 quy định xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như sau:
"Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:
1. Tài sản bị mất;
2. Tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;
4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại".
Như vậy, tùy vào thực tế thiệt hại xảy ra mà cha bạn phải bồi thường thiệt hại theo những nội dung trên.
Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Điều 605 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
"1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi"
Theo nguyên tắc quy định trong Bộ luật dân sự 2005, mức bồi thường, hình thức, phương thức bồi thường do các bên tự thỏa thuận. Khoản 2 Điều 605 Bộ luật dân sự 2005 quy định nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình thì người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường. Trong trường hợp của bạn, bên bị thiệt hại là bà Phương đòi cha bạn bồi thường với số tiền 10 000 000 đồng. Cha bạn có thể dẫn chiếu khoản này để được giảm mức bồi thường.
Trong trường hợp xét thấy mức bồi thường mà bên bị thiệt hại yêu cầu không phù hợp với thiệt hại xảy ra trên thực tế, cha bạn có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định về nghĩa vụ chứng minh của các đương sự tại khoản 5 mục 1 như sau:
"a) Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại.
b) Người gây thiệt hại yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại phải có tài liệu, chứng cứ về khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình không đủ để bồi thường toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đã xảy ra.
c) Người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại phải có đơn xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại. Kèm theo đơn là các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ cho việc xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại.
d) Việc chứng minh không có lỗi thuộc nghĩa vụ của người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại"
Như vậy, trong trường hợp cha bạn yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại phải có tài liệu, chứng cứ về khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình không đủ để bồi thường toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đã xảy ra. Nếu cha bạn muốn thay đổi mức bồi thường thiệt hại thì phải có đơn xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại. Kèm theo đơn là các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ cho việc xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại.
Sau khi cha bạn nộp đơn xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại, Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào tình hình thiệt hại xảy ra trên thực tế mà quyết định mức bồi thường. Sau khi Tòa án ra quyết định, dù cha bạn có được giảm mức bồi thường thiệt hại hay không, cha bạn vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho bên bị thiệt hại.
Nếu cha bạn không thực hiện việc bồi thường thiệt hại, bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra toàn án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo thời hiệu quy định tại Điều 607 Bộ luật dân sự 2005: "Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm."
Trong trường hợp việc cháy nhà hàng xóm do cha bạn cố ý gây ra, cha bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 143 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
"1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm;
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng;
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.