Tình huống người đại diện xác lập giao dịch vượt quá phạm vi đại diện theo pháp luật
09/05/2017 14:45Xây dựng tình huống người đại diện xác lập,thực hiện giao dịch vượt quá phạm vi đại diện. Giải quyết tình huống đưa ra. Mong được sự hỗ trợ của luật sư ạ. Tình huống càng cụ thể càng tốt ạ. E xin chân thành cảm ơn. ?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Đại diện là việc một người (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện. Theo Điều 146 Bộ luật dân sự 2005 :
"- Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối; nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.
- Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc huỷ bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
- Trong trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại."
1. Xây dựng một tình huống người đại diện xác lập thực hiện giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.
Công ty A ký kết hợp đồng trị giá 2 tỷ với công ty B. Hợp đồng trên được ký kết bởi C (người đại diện theo ủy quyền của công ty A, được ký kết hơp đồng có giá trị dưới 1 tỷ) và D (người đại diện theo pháp luật của B).
Hậu quả pháp lý của việc vượt quá phạm vi đại diện?
2. Giải quyết tình huống
Một trong các điều kiện để công nhận hợp đồng có hiệu lực là tư cách đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật hoặc ủy quyền) của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức hoặc cá nhân.
Trường hợp C ký kết hợp đồng trị giá 2 tỷ trên với D được xác định thuộc trường hợp hợp đồng vô hiệu do người đại diện xác lập vượt quá phạm vi đại diện.
Thường thì đây là hợp đồng được xác lập bởi người đại diện hợp pháp, nhưng do người đại diện đã xác lập hợp đồng trên thực tế vượt quá phạm vi đại diện. C trực tiếp tham gia hợp đồng tuy có tư cách đại diện hợp pháp nhưng nội dung hợp đồng do họ xác lập có một phần giá trị là 1 tỷ đồng vượt quá giới hạn được ghi trong Hợp đồng ủy quyền. Như vậy, hợp đồng sẽ có hiệu lực một phần và phần vượt quá phạm vi đại diện bị vô hiệu.
Khi quan hệ đại diện được xác lập giữa các bên, người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện của mình. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, người đại diện đã xác lập, thực hiện giao dịch vượt quá thẩm quyền đại diện cho phép. Trong trường hợp này, hậu quả pháp lý được pháp luật quy định tại Điều 146 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
Thứ nhất: Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối. Nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.
Thứ hai: Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc huỷ bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
Thứ ba: Trong trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.”
Ngoài ra, giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, khi: người được đại diện đồng ý; người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.