Thực hiện nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
11/04/2017 11:28
Tôi có ký bảo lãnh cho hai vợ chồng người bạn vay tiền của một người quen để làm nhà (hai vợ chồng bạn tôi cùng ký vào giấy vay đó), trong giấy bảo lãnh tôi có viết: khi hai vợ chồng đó không còn khả năng trả nợ nữa thì tôi sẽ là người đứng ra đảm nhiệm.
Nay vợ chồng bạn tôi ly hôn, hai vợ chồng tự thống nhất ai vay người ấy trả, nếu cả hai cùng ký thì cả hai cùng trả. Khi ra tòa, vấn đề về tài sản do hai vợ chồng tự thương lượng. Hiện tại bên cho vay đã đòi tiền nhưng bạn tôi nói vừa ly hôn nên chưa có tiền, ít hôm nữa sẽ trả.
Vây tôi phải làm gì để bên vay phải có trách nhiệm trả cả gốc và lãi bên cho vay khi bạn tôi vẫn đủ sức khỏe, khả năng lao động. Xin chân thành cảm ơn.
(Vũ Văn Hiếu)
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Để làm rõ nghĩa vụ của từng bên tham gia hợp đồng thì cần phân biệt rõ hai mối quan hệ, gồm: quan hệ giữa các bên trong hợp đồng vay tài sản và quan hệ giữa các bên tham gia bảo lãnh.
Thứ nhất, về hợp đồng vay tài sản:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Giữa hai vợ chồng bạn của bạn và người quen của bạn đã giao kết hợp đồng vay tiền, theo đó, hai vợ chồng có nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự.
Nghĩa vụ trả nợ nêu trên là một trong những nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng (khoản 1 Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình 2014). Nay, do hai vợ chồng đã ly hôn nên việc thực hiện nghĩa vụ chung này được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 60 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về việc giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn:
1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.
Theo thông tin bạn cung cấp, hai vợ chồng đã tự thống nhất: khoản vay của ai thì người đó trả, khoản vay do cả hai cùng vay thì cả hai cùng trả. Theo thỏa thuận này, hai vợ chồng sẽ cùng có nghĩa vụ trả nợ cho người quen của bạn. Người quen của bạn có thể trực tiếp yêu cầu hai vợ chồng thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình.
Thứ hai, về hợp đồng bảo lãnh
Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Theo như nội dung trình bày của bạn, trong giấy bảo lãnh bạn viết: khi hai vợ chồng đó không còn khả năng trả nợ nữa thì bạn sẽ là người đứng ra trả nợ. Hiện nay, nếu hai vợ chồng đó vẫn còn khả năng trả nợ thì bạn có thể nhắc nhở họ thực hiện nghĩa vụ của mình theo như đã thỏa thuận. Trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà hai vợ chồng đó không có khả năng thực hiện thì bên nhận bảo lãnh (người cho vay) có quyền yêu cầu bạn thực hiện nghĩa vụ thay cho người vay.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn.
Nếu còn vướng mắc, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để nhân được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Công ty luật Bảo Chính.