Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm vụ án dân sự là bao lâu?
03/05/2017 15:38Xin hỏi luật sư: Bản án phúc thẩm của TAND tối cao có hiệu lực thi hành từ 2008; Đã được Thi hành án dân sự TP tổ chức thi hành năm 2014. Đến nay có đề nghị tái thẩm được không ạ?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Tái thẩm là việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó. Theo nguyên tắc hai cấp xét xử thì tái thẩm không được coi là một cấp xét xử.
Đây chỉ được coi là một trong những việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực. Việc thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án là sự th thay đổi hoàn toàn hoặc tương đối nhiều về nội dung nào đó của bản án hoặc quyết định đó. Nếu những tình tiết mới chỉ có giá trị làm thay đổi một nội dung nào đó không cơ bản của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì chúng không được coi là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Theo Điều 352 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định khá cụ thể về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm như sau:
" Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
1. Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
2. Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;
3. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
4. Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ".
Chủ thể có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định theo Điều 354 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 gồm: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và thêm một đối tượng được kháng nghị nữa tại khoản 3, Điều 354 là người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định tái thẩm.
Đối với thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định tại Điều 355, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau: “Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 352 của Bộ luật này”.
Theo khoản 4, Điều 1, Nghị quyết số 103/2015/QH13, ngày 25/11/2015 đã có quy định cụ thể về thời gian kháng nghị sau khi Bộ Luật tố tụng dân sự mới năm 2015 có hiệu lực như sau:
"Kể từ ngày Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 7 năm 2016):
4. Đối với những bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 người có thẩm quyền kháng nghị mới kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, thì căn cứ để thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của Bộ luật này" .
Ngoài ra, theo Điều 2, Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 6 năm 2016, Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định như sau:
"1. Kể từ ngày 01-7-2016, thẩm quyền và trình tự, thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01-7-2016 được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 và Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13.
2. Đối với những bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01-7-2016 mà kể từ ngày 01-7-2016 người có thẩm quyền kháng nghị mới kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì căn cứ để thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 326 và Điều 352 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13. Khi xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm thì việc xác định thế nào là “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” và “có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật” quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 326 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 phải căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung được áp dụng tại thời điểm ra bản án, quyết định bị đề nghị kháng nghị, bị kháng nghị.
Ví dụ:
Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 không quy định về việc Thẩm phán phải tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ (chỉ quy định về phiên hòa giải). Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 quy định khi giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (Điều 210).
Năm 2015, Tòa án thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự. Trong quá trình giải quyết, Tòa án không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đã tiến hành xét xử sơ thẩm sau khi tổ chức hòa giải không thành. Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nên đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01-7-2016. Đối với trường hợp này, việc Tòa án không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ như quy định tại Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 không bị coi là “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” để xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Việc xác định quá trình giải quyết vụ án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không phải căn cứ vào quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12"
Như vậy, thời hạn kháng nghị của bạn là một năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được pháp luật quy định. Do bạn nói không cụ thể chính vì vậy bạn có thể căn cứ vào những quy định nêu ở trên để xem xét cụ thể trong trường hợp của mình.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.