Thỏa thuận chia tài sản cho các con có được pháp luật công nhận không?
09/05/2017 16:37Cha và mẹ tôi đã được tòa án xử ly hôn năm 2008. Đến năm 2009 cha và mẹ yêu cầu chia tài sản sau ly hôn, trong số tài sản chung thì cha mẹ tôi thỏa thuận để 4 phần đất cho bốn chị em tôi. Việc thỏa thuận này chỉ được thẩm phán ghi nhận lại bằng biên bản, việc cho tặng không có làm thành văn bản có công chứng gì cả, hiện tại đất vẫn do cha mẹ đứng tên trong sổ đỏ. Chị em tôi canh tác ổn định trên 4 phần đất này từ năm 2009 cho đến nay. Nay cha tôi yêu cầu tòa án phân chia 4 phần đất vì cho rằng đây vẫn là tài sản chung của vợ chồng, việc thỏa thuận tại tòa án không có giá trị pháp lý. Mẹ và chị em chúng tôi không đồng ý. Xin hỏi, yêu cầu của cha tôi có đúng quy định pháp luật không. Việc thỏa thuận giữa cha mẹ tôi được tòa án ghi nhận có giá trị pháp lý không (vì đó chỉ là biên bản, chứ không phải là quyết định công nhận sự thỏa thuận). Xin được tư vấn?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Thứ nhất, về biên bản thỏa thuận tại Tòa án.
Xét vào thời điểm năm 2008, thì Bộ luật tố tụng áp dụng vào thời điểm này là Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Tại Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự có quy định về ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:
Điều 187: Ra quyết quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
“1. Hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Toà án phân công ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, Toà án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
3. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 184 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thoả thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trong trường hợp thoả thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thoả thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hoà giải đồng ý bằng văn bản".
Vậy, căn cứ vào quy định này của Bộ luật tố tụng dân sự thì hết thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành phải được Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, Toà án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Tại Điều 188 Bộ luật tố tụng dân sự có quy định về hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:
“1. Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
2. Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thoả thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe doạ hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
...."
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Thứ hai, về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất
Tại Điều 459Bộ luật dân sự 2015 thì về tặng cho bất động sản như sau:
“1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”
Căn cứ vào quy định này của Bộ luật dân sự 2015 thì tặng cho bất động sản phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý.
Đồng thời tại khoản 3 Điều 188 Luật đất đai năm 2003 (thời điểm tặng cho đất của gia đình bạn đang được Luật đất đai năm 2003 điều chỉnh, hiện tại Luật đất đai năm 2003 đã hết hiệu lực, được thay thế bằng Luật đất đai năm 2013) quy định về hiệu lực tặng cho quyền sử dụng đất như sau: "Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính".
Căn cứ vào quy định này thì tặng cho quyền sử đất chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu như biên bản thỏa thuận này không được làm thành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và gửi cho các đương sự thì biên bản này sẽ không có hiệu lực pháp luật. Tặng cho quyền sử dụng đất không được lập thành bản có công chứng, chứng thực thì không có giá trị pháp lý và tặng cho quyền sử đất chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính theo quy định của Luật đất đai năm 2003.
Vì vậy, nếu như cha của bạn có gửi đơn yêu cầu phân chia tài sản chung này thì vẫn được chấp nhận. Anh em bạn không có quyền đối với tài sản này.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.