Quyền thừa kế đối với di sản là đất đai và nghĩa vụ của các đồng thừa kế
24/04/2017 18:38
Thưa Luật sư, năm 2009, các anh em ruột của ba tôi và ông nội tôi đã thỏa thuận ai phụng dưỡng ông bà nội tôi sẽ được hưởng mảnh đất của ông bà. Người nhận nhiệm vụ này là ba tôi, ông nội tôi cũng đã viết di chúc để lại mãnh đất cho ba tôi và có sự đồng ý của anh em của ba tôi.
Năm 2011, ông bà nội mất, gia đình tôi làm giấy tờ nhận thừa kế, xin cấp sổ đỏ cho mảnh đất của ông nội tôi. Người em thứ 5 của ba tôi không đồng ý và luôn chống đối, không hợp tác để hoàn tất thủ tục (địa chính xã nói là phải lấy chữ kí của các anh em ba tôi mới làm được) mặc dù đã có di chúc, địa chính đã vào đo đạc (giấy tờ đang lưu tại ủy ban xã). Trong suốt năm từ 2009 đến nay gia đình ba mẹ tôi vẫn canh tác, trồng trọt cây hàng năm, sinh sống ổn định trên mảnh đất mà ông nội tôi để lại.
Xin hỏi luật sư:
1.Pháp luật quy định về quyền thừa kế đất ra sao?
2. Người em thứ 5 của ba tôi sẽ bị phạt như thế nào khi không cho ba tôi làm sổ đỏ?
3. Địa chính xã có vi phạm luật trong trường hợp này không?
Chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi tới mục tư vấn của công ty chúng tôi.
Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
1. Quyền thừa kế?
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 có hai hình thức thừa kế: thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Thực tế có tồn tại một khối tài sản được dùng để chia cho người được hưởng thừa kế theo di chúc và chia cho người thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp đã có di chúc cho hưởng thừa kế, người không có tên hưởng di sản chỉ được hưởng khi thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 669 như sau:
Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Theo quy định này và những thông tin bạn cung cấp, thấy rằng người con thứ 5 của ông bà nội bạn không có tên trong di chúc hưởng di sản là mảnh đất vì vậy người này chỉ được hưởng khi rơi vào một trong hai trường hợp là: chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động. Điều đó có nghĩa nếu không rơi vào trường hợp này sẽ không được hưởng di sản thừa kế.
2. Người em thứ 5 của ba tôi sẽ bị phạt như thế nào khi không cho ba tôi làm sổ đỏ?
Hiện nay không có quy định nào quy định về vấn đề này, không thể coi đây là hành vi gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác theo Điều 11-Nghị định 102/2014/NĐ-CP. Cho nên không có cơ sở để phạt người em thứ 5 của ba bạn.
3. Địa chính xã có vi phạm luật trong trường hợp này không?
Theo quy định của Luật đất đai năm 2013, một trong những điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất đó không có tranh chấp. Vì vậy, khi người em thứ 5 của ba bạn không đồng ý với di chúc, tức là đã có tranh chấp xảy ra nên địa chính xã không làm giải quyết cho gia đình bạn là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.