Quyền sở hữu và căn cứ để xác lập quyền sở hữu
04/05/2017 14:59
Chào luật sư, tôi có vấn đề sau mong luật sư tư vấn giúp: tôi và đứa em được bố cho chung một lô đất nhưng không đủ diện tích tách sổ nên nếu tôi muốn xây nhà trên đất này thì nhà mà tôi bỏ tiền ra xây có phải được xem là tài sản chung của tôi và em tôi không hay là tài sản riêng của tôi.
Mong luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp này, xin cảm ơn luật sư.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đế cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, bố mẹ bạn có để lại cho bạn và em bạn miếng đất mà mảnh đất trên khong đủ điều kiện để tách thửa thì bạn và em bạn có thể thỏa thuận giải quyết theo hai phương án: thứ nhất là bạn hoặc em bạn sở hữu toàn bộ mảnh đất trên và người sở hữu sẽ phải thanh toán đối với phần đất mà người kia được hưởng; thứ hai là bạn và em bạn cùng sinh sống trên mảnh đất này. Trong trường hợp này, khi bạn tiến hành xây nhà vẫn phải được sự đồng ý của em bạn và tài sản là ngôi nhà được xác định là tài sản của bạn nếu toàn bộ ngôi nhà đều do tiền của bạn đóng góp tạo ra, điều này được quy định tại Điều 221 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều 221. Căn cứ xác lập quyền sở hữu
Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp sau đây:
1. Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp;
2. Được chuyển quyền sở hữu theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
3. Thu hoa lợi, lợi tức;
4. Tạo thành vật mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến;
5. Được thừa kế tài sản;
6. Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;
7. Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này;
8. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Đối với trường hợp này rất dễ xảy ra tranh chấp do đất thuộc sở hữu chung nhưng tài sản lại là tài sản riêng xây dựng trên đất chung, nếu sau này em bạn cũng có ý định xây nhà trên đất này thì trường hợp sẽ khó giải quyết hơn, nên đối với trường hợp này như chúng tôi đã phân phân tích có hai phương án để bạn lựa chọn khi diện tích đất không đủ để tách thửa thì bạn nên lựa chọn phương án một đó là bạn hoặc em bạn sở hữu toàn bộ mảnh đất trên và người sở hữu sẽ phải thanh toán phần đất mà người kia được hưởng như vậy sẽ giảm thiểu rủi ro cho các bên sau này khi xảy ra tranh chấp.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng.