Quyền sở hữu đối với tài sản bị đánh rơi. Mua bán tài sản, phương thức thanh toán trong hợp đồng mua bán tài sản.
10/05/2017 10:48
Tóm tắt câu hỏi:
Anh K đang đi trên đường thì phát hiện ra một viên đá màu trắng chiếu sáng rất đẹp, nên nhặt về làm vật trang trí. Một hôm, anh L đến nhà K chơi, thấy viên đá đẹp nên hỏi xin, nhưng K không cho. Do L nài nỉ nên K đã đồng ý bán cho L với giá 100.000đ. L mang viên đá đó về bỏ vào chậu cá kiểng nhà mình cho đẹp. Tình cờ một người thợ kim hoàn ở thành phố về, K mới biết viên đá đó là đá quí và có giá trị hơn 5.000 USD. Được tin trên, K đến xin hoàn lại cho L 100.000 đ và đòi L trả lại viên đá quí đó cho mình, nhưng L đã từ chối.
Em muốn hỏi là viên đá quí nói trên thuộc về ai và cho biết tranh chấp của các bên giải quyết như thế nào? Vì sao? Trân trọng cảm ơn?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Vì sự việc của bạn xảy ra trước năm 2017 nên áp dụng Bộ luật dân sự 2005 (hết hiệu lực ngày 1/1/2017). Theo như bạn trình bày, K nhặt được một viên đá màu trắng mang về làm trang trí. K đã bán lại cho L viên đá đó với giá 100.000 đồng. Nay K muốn đòi lại viên đá màu trắng đó và trả L 100.000 đồng. Điều này liên quan đến vấn đề xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên theo Điều 241 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
“Điều 241. Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên
1. Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Uỷ ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
2. Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
3. Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên là di tích lịch sử, văn hoá mà sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, không xác định được chủ sở hữu hoặc không có người đến nhận thì vật đó thuộc Nhà nước; người nhặt được vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, trường hợp này K nhặt được vật của người khác nhưng không biết chủ sở hữu là ai thì K phải có nghĩa vụ thông báo hoặc giao nộp cho công an cơ sở hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Nếu sau một năm thông báo mà không xác định được chủ sơ hữu hoặc chủ sở hữu không nhận vật thì tùy thuộc vào giá trị tài sản mà K được hưởng số tiền nhất định:
+ Nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của K.
+ Nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản bạn được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
Tùy vào nợi mà K nhặt được tài sản mà xác định tháng lương tối thiểu tương ứng.
Như vậy, có hai trường hợp xảy ra như sau:
- Trường hợp 1: Nếu K đã thông báo cho cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân xã về việc nhặt được viên đá nhưng sau một năm thông báo không xác định được chủ sở hữu là ai mà K được xác định là chủ sở hữu của người nhặt được (là K). Khi đó, việc mua bán giữa K và L sẽ được thực hiện theo Bộ luật dân sự như sau:
Căn cứ Điều 428 Bộ luật dân sự 2005 quy định hợp đồng mua bán tài sản như sau:
“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán.”
Tại Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
“Điều 431. Giá và phương thức thanh toán như sau:
1. Giá do các bên thoả thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên.
Trong trường hợp các bên thoả thuận thanh toán theo giá thị trường thì giá được xác định tại địa điểm và thời điểm thanh toán.
Đối với tài sản trong giao dịch dân sự mà Nhà nước có quy định khung giá thì các bên thoả thuận theo quy định đó.
2. Các bên có thể thoả thuận áp dụng hệ số trượt giá khi có biến động về giá.
3. Thoả thuận về giá có thể là mức giá cụ thể hoặc một phương pháp xác định giá. Trong trường hợp thoả thuận mức giá hoặc phương pháp xác định giá không rõ ràng thì giá của tài sản được xác định căn cứ vào giá thị trường tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng.
4. Phương thức thanh toán do các bên thoả thuận.”
Điều 432. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán
1. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thoả thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thoả thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.
2. Khi các bên không thoả thuận thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý.
3. Khi các bên không có thoả thuận về thời hạn thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay khi nhận tài sản.”
Theo đó, hợp đồng mua bán tài sản không bắt buộc phải lập thành văn bản mà có thể được giao kết bằng miệng. Hai bên có thể tự thỏa thuận về giá, phương thức thanh toán, thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán. Kể từ thời điểm bên mua trả tiền cho bên bán, bên bán giao tài sản cho bên mua khi đó hợp đồng mua bán tài sản có hiệu lực pháp luật. Nên từ thời điểm K giao viên đá cho L và L trả tiền cho K khi đó viên đá đã thuộc quyền sở hữu của L. Theo Điều 248 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
“Điều 248. Chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác.
Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.”
Do vậy, kể từ thời điểm L trở thành chủ sở hữu đối với tài sản là viên đá, quyền sở hữu của bên K đã chấm dứt nên bên K không có quyền đòi lại tài sản của L.
- Trường hợp 2: Nếu K chưa thông báo cho cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân xã về việc nhặt được viên đá thì khi đó K chưa phải là chủ sở hữu hợp pháp của viên đá nên hợp đồng mua bán giữa K và L không phát sinh hiệu lực pháp luật. Do đó, K sẽ làm đơn gửi lên Ủy ban nhân dân xã trình báo về việc nhặt được viên đá.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng !
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.