Quyền mở lối đi qua bất động sản liền kề
05/04/2017 15:45
Thưa luật sư, xin hỏi:
Gia đình ông A nằm cạnh bờ sông và bị gia đình ông B và bà C vây bọc xung quanh nên không có lối đi ra đường công cộng. mặc dù đi qua vườn nhà ông B ra đường công cộng thì gần và thuận tiện hơn nhưng vì có mẫu thuẫn từ trước nên gia đình ông B không đồng ý cho gia đình ông A đi nhờ.
Do đó, gia đình ông A đi qua đất của nhà bà C để ra đường công cộng và gia đình ông A có trả cho gia đình bà C 10 triệu để được đi qua lâu dài. sau 8 năm sử dụng lối đi qua nhà bà C, bà C bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho gia đình ông D. nhà ông D đập nhà cũ đi xây nhà mới, nhà mới được xây trên cả diện tích lối đi mà gia đình ông A sử dụng. Không đồng tình với gia đình ông D, gia đình ông A đã phá phần tường mà nhà ông D xây với lý do đó là đường đi mà gia đình ông đã mua của bà C với giá 10 triệu. Ông D cho rằng hành vi của gia đình ông A là vô lý và đã xâm phạm quyền lợi của gia đình mình, nên đã khởi kiện ra tòa án nhân dân.
Vậy cho tôi hỏi:
1. Gia đình ông D có quyền xây nhà trên lối đi mà gia đình ông A đã sử dụng ổn định trong 8 năm hay không? vì sao?
2. Tư vấn để gia đình ông A có lối đi ra đường công cộng?
3. Giả sử, con sông phía sau của gia đình ông A được chính quyền địa phương cải tạo, lấp thu hẹp lòng sông có thể bắc cầu để đi qua thì gia đình ông A có quyền yêu cầu gia đình ông và ông D mở lối đi cho gia đình mình hay không? vì sao?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn. Về nội dung vấn đề bạn đang thắc mắc Công ty luật Bảo Chính tư vấn như sau
Thứ nhất: Gia đình ông D có quyền xây nhà trên lối đi mà gia đình ông A đã sử dụng ổn định trong 8 năm hay không? vì sao?
Khẳng định: gia đình ông D không có quyền xây nhà trên lối đi mà gia đình ông A đã sử dụng ổn đinh trong 8 năm qua. Vì:
Già đình ông A đã yêu cầu được đi qua đất của gia đình bà C để đi ra đường công cộng và được bà C đồng ý, và bà C đã nhận tiền đền bù của ông A là 10 triệu đồng để đi lại lâu dài. Cụ thể là 8 năm qua gia đình ông A vẫn đi lại ổn định trên đất của gia đình bà C.
Theo điều 247 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hiệu lực của quyền đối với bất động sản liền kề như sau: "Quyền đối với bất động sản liền kề có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân và được chuyển giao khi bất động sản được chuyển giao, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.". Như vậy, khi gia đình bà C bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho gia đình ông D thì quyền đối với bất động sản liền cũng đồng thời được chuyển giao, có nghĩa là ông A vẫn được đi lại trên đất của gia đình ông D để đi ra đường công cộng. Do đó, gia đình ông D không được xây nhà trên lối đi mà ông A đã sử dụng ổn định trong 8 năm nay.
Thứ hai: tư vấn để gia đình ông A có lối đi ra đường công cộng
Theo Điều 254 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền về lối đi qua như sau:
"1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định."
Theo đó, để có lối ra đường công cộng gia đình ông A có quyền yêu cầu gia đình ông B hoặc ông D mở cho mình một lối đi trên phần đất của họ mà đảm bảo cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên nhất. Trường hợp các bên không thỏa thuận được và có tranh chấp ông A có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thứ ba: Giả sử, con sông phía sau của gia đình ông A được chính quyền địa phương cải tạo, lấp thu hẹp lòng sông có thể bắc cầu để đi qua thì gia đình ông A có quyền yêu cầu gia đình ông và ông D mở lối đi cho gia đình mình hay không? vì sao?
Theo khoản 1 Điều 254 Bộ luật dân sự 2015 quy định về lối đi qua như sau: " Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ ". Quy định này chỉ rõ chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác chỉ được yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ khi không có hoặc không đủ lối ra đường công cộng.
Khi chính quyền địa phương tạo dựng một cây cầu bắc qua sông, lúc này gia đình ông A đã có lối đi ra đường công cộng. Do đó, ông không có quyền yêu cầu ông D mở lối đi cho mình. Tuy nhiên, ông A có thể thỏa thuận vs ông D để mở lối đi trên diện tích đất nhà ông, việc mở lối đi này phụ thuộc vào ý chí của ông D.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 1900 6281
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.