Quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín.
04/05/2017 15:56
Thưa luật sư tôi có câu hỏi tư vấn như sau: Lúc 23h 00 phút, ngày 19 tháng 09 năm 2013. Em trai tôi điều khiển xe môtô, tự té và làm bể 1 cái lu nằm trong lề đường. Sau đó, bị mảnh vỡ của lu cắt đứt động mạch chủ của em trai tôi dẫn đến tử vong ở kênh 10 trên địa bàn nơi tôi cư trú.
Ngay sau tai nạn, ngay lập tức có rất nhiều người dân ở gần đó đến để mong muốn giúp đỡ nhưng không cứu được. Họ thấy rất nhiều máu từ cổ em trai tôi chảy ra mặt đường. Theo điều tra sơ bộ ban đầu của công an Xã và công an Huyện, trước khi điều khiển xe môtô em trai tôi có sử dụng rượu bia. Nhưng chưa xác định được là bao nhiêu miligam/100 mililít máu. Khoảng 10h sáng ngày 20 tháng 09 năm 2013. Cơ quan giám định pháp y của Huyện đến nhà tôi ở kênh 12 (cách hiện trường xảy ra vụ tai nạn giao thông 2km) để khám nghiệm tử thi em trai tôi và lấy mẫu máu về xét nghiệm. Ngày 23 tháng 09 năm 2013, Đài truyền thanh Xã đưa thông tin về vụ tai nạn của em trai tôi và khẳng định rằng: em trai tôi điều khiển xe môtô trong tình trạng có sử dụng rượu bia, qua đó cũng lấy em trai tôi ra làm bài học cho mọi người dân trong xã. Gia đình tôi sau khi nghe thông tin này phát trên Đài truyền thanh Xã, đã yêu cầu họ không được đưa thông tin này nữa, vì mọi việc vẫn đang trong quá trình điều của công an Huyện. Đài truyền thanh cũng không đưa thông tin nữa. Hơn 6 tháng sau, gia đình tôi nhận được kết quả của Cơ quan pháp y. Nguyên nhân tử vong của em trai tôi là: tự té, động mạch chủ bị đứt, mất máu dẫn đến tử vong. Họ giải thích với gia đình tôi là mẫu máu lấy từ người em trai tôi đã đông nên không thể xác định được nồng độ cồn trong máu là bao nhiêu. Họ cũng giải thích với gia đình tôi là: cơ địa của mỗi người khác nhau nên không thể xác định được trong lúc điều khiển xe em trai tôi có sử dụng thức uống có nồng độ cồn vượt mức cho phép hay không?
Sau khi được gia đình tôi yêu cầu Đài truyền thanh Xã cũng đưa thông tin này được 2 ngày. Ngoài ra, không có bất cứ điều gì thêm đối với em trai tôi, không có 1 văn bản hay lời xin lỗi chính thức nào dành cho em trai tôi. Xin cho tôi hỏi việc làm của Đài truyền thanh Xã có được coi là xúc phạm danh dự của em tôi hay không và sẽ bị phạt như thế nào? Tôi phải chuẩn bị những giấy tờ gì ? Gửi đến cơ quan nào ? để em trai tôi được bồi thường về mặt danh dự.
Tôi xin chân thành cảm ơn !
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đế cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định:
"1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nàokhác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".
Bên cạnh đó, tại Điều 37 Bộ luật dân sự 2005 quy định: Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
"Điều 37. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ".
Hành vi của Đài phát thanh xã là đưa tin chưa xác thực, chưa được xác nhận bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của em trai bạn nhất là khi em trai bạn đã mất. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra và cơ quan Pháp y, bạn có thể mang những kết luận này làm căn cứ chứng minh yêu cầu đài phát thanh xã bồi thường thiệt hại về danh dự nhân phẩm cho em trai bạn.
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
"Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó".
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại Điều 605 Bộ luật dân sự 2005:
"Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường".
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tại Điều 607 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
"Điều 607. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm".
Như vậy khi nhận thấy danh dự nhân phẩm bị xâm phạm thì gia đình bạn có quyền khởi kiện dân sự có kèm nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình đồng thời yêu cầu người gây ra thiệt hại phải bồi thường. Và tùy theo mức độ hành vi thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/ 2013/ NĐ - CP :
"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".
Hình thức, nội dung đơn khởi kiện quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
"Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện.
2. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
b) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
c) Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
3. Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.
4. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án".
đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng.
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.