Quy định về việc ký hợp đồng vay tín dụng
04/05/2017 15:51Tôi mới vào nghề tín dụng ngân hàng gặp trường hợp sau: Hai bà cháu ở chung 1 hộ. Sổ đỏ mang tên bà, nhưng cháu đi vay tiền. Bà đồng ý cho cầm sổ đỏ đến ngân hàng vay tiền thì nên lập giao dịch thông thường hay giao dịch bảo lãnh. Trường hợp này người vay tiền không có người thừa kế trả nợ thì người bà có nghĩa vụ trả nợ không? Xin Luật sư tư vấn giúp tôi.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Căn cứ Điều 318 Bộ luật dân sự 2005 quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm:
- Cầm cố tài sản: Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
- Thế chấp tài sản: Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
- Đặt cọc: Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.
- Ký cược: Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.
- Ký quỹ: Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong toả tại một ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
- Bảo lãnh: Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
- Tín chấp: Tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, bạn có thể yêu cầu người bà có giấy ủy quyền cho người cháu mang sổ đỏ đi thế chấp vay tiền sau đó ngân hàng ký hợp đồng vay có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của người bà, hoặc ngân hàng ký hợp đồng vay với người cháu, sau đó ký với người bà hợp đồng bảo lãnh trong đó bà đứng ra bảo lãnh cho cháu để vay tiền ngân hàng.
Như bạn nói, nếu người vay tiền không trả được nợ cho ngân hàng thì ngân hàng có thể xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP.
Mặt khác, Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại."
Như vậy, người bà này là người thuộc hàng thừa kế thứ 02 của người cháu do đó, người bà có trách nhiệm trả nợ khi người cháu không có khả năng thanh toán.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.