Quy định về thỏa thuận trong hợp đồng vay tín chấp
09/05/2017 16:17
Chào Luật sư. Em đang có trường hợp như thế này nhờ luật sư tư vấn giúp.
Tháng 02/2015 vì là khách hàng cũ nên em được nhân viên một công ty tín dụng tư vấn khoản vay tín chấp với mức lãi suất 5%/tháng cố định tính trên tổng tiền vay ban đầu không tính trên nợ gốc. Vì thời gian đó cần tiền nên em có vay số tiền 24.000.000đ. Nhưng khi ký hợp đồng em thấy hợp đồng ghi tổng tiền vay 26.000.000đ và lãi suất là 6,17%. Nhân viên chỉ kêu em ký tên và báo ngày ra nhận tiền vay. Khi đến ngày nhận em chỉ nhận số tiền 24.000.000đ. Mỗi tháng góp 2.193.000đ thời hạn 24 tháng. Sau khi đóng được 1 tháng em có tài chính và tính lại thấy lãi suất vay cao nên tính thanh toán hợp đồng sớm thì được công ty báo tổng tiền thanh toán là 30 mấy triệu. Em lấy hợp đồng ra xem gọi công ty thì được nhân viên giải thích là 2.000.000 trên lệch trong hợp đồng là tiền đóng bảo hiểm gi đó. Em không đủ tiền thanh toán nên đành góp theo từng tháng.
Tới nay em đã đóng được 17 tháng mỗi tháng 2.193.000đ. Còn góp 7 tháng nữa. Nhưng hiện tại em vừa nghỉ việc và đang thất nghiệp nên không đủ kinh tế góp tiếp. Phía công ty gọi em có trình bày hoàn cảnh và nói công ty thanh lý hợp đồng giúp em. Em sẽ hẹn thời hạn chi trả. Nhưng công ty báo hợp đồng em trễ hẹn đóng tiền nên chưa thanh lý được yêu cầu em đóng 2.193.000đ và phí phạt 250.000đ nhưng em thấy không hài lòng vì cách nói chuyện của nhân viên rất khó chịu và em thấy mệt mỏi khi thất nghiệp và phải gánh thêm khoản góp như vậy. Công ty gọi và gây áp lực làm em rất hoang mang nhung em chỉ muốn công ty thanh lý giúp em để em trả không phải chịu góp hàng tháng vậy nữa. công ty báo sẽ kiện hay đưa về địa phương chính quyền nơi em ở. Em đang lo ngại và không biết phải làm như thế nào. Liệu em có bị dính liếu tới pháp luật.
Mong luật sư cho em ý kiến. Em chân thành cảm ơn!?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Vay tín chấp là hình thức vay tiền ngân hàng và các tổ chức tín dụng được bảo đảm bằng sự tín nhiệm, không cần có tài sản thế chấp. Khái niệm trên cho thấy, vay tín chấp không phải là việc cho vay không có bảo đảm mà cao hơn, tài sản bảo đảm là sự tín nhiệm giữa người cho vay (các ngân hàng, tổ chức tín dụng) và người vay, thông thường là các doanh nghiệp.
Theo quy định tại Điều 373, Bộ Luật dân sự 2005 thì vay tín chấp được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo đảm.
Tại Điều 471 Bộ Luật dân sự 2005 quy định về Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định .
Khi giao kết hợp đồng vay tiền với công tytín dụng, bạn đã có các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng; và các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Theo đó bạn đó có nghĩa vụ trả nợ của bên vay theo Điều 474 Bộ Luật dân sự 2005:
- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
- Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
- Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
- Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
- Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Khi bạn không thể thực hiện được nghĩa vụ theo hợp đồng thì bạn đó có thể thương lượng, thỏa thuận với công ty tín dụng về việc hoãn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, gia hạn trả nợ… Hai bên có thể tự thương lượng với nhau để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất, đảm bảo được quyền và lợi ích của hai bên. Tuy nhiên, nếu bạn đó không có khả năng trả nợ thì công ty tín dụng có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự quy định tại Điều 427 Bộ Luật dân sự 2005 là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.
Trong trường hợp, công ty tín dụng khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự thì bạn của bạn với tư cách là bị đơn, có các quyền, nghĩa vụ theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Khi tòa án giải quyết vụ tranh chấp dân sự giữa người bạn và công ty tín dụng thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hoà giải hoặc không tiến hành hoà giải được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015..
Việc hoà giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:
- Tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình;
- Nội dung thoả thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Theo quy định tại Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về lãi suất cho vay:
“1.Lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.”
Về lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, tại Điều 1 Quyết định 2868/QĐ-NHNN quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm . Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận sẽ không được vượt quá: 9% x 150% = 13,5%/năm và lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 13,5 : 12 = 1,125%/tháng.
Khoản 1, Điều 163, Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội cho vay nặng lãi khi mức lãi suất gấp 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định, nên với mức lãi suất đó thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi.
Nếu nội dung trong hợp đồng đều đúng pháp luật thì bạn có nghĩa vụ phải trả nợ theo đúng quy định được ghi trong hợp đồng. Nếu tổ chức khởi kiện đòi tài sản mà bạn không có bất cứ tài sản nào, cũng không có khả năng để trả nợ thì bạn sẽ buộc phải trả nợ cho tổ chức tín dụng bạn có nghĩa vụ dân sự chứ không phải vụ án hình sự nên bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.