Quy định về chuyển giao quyền và chuyển giao nghĩa vụ dân sự
03/05/2017 15:47Trong hợp đồng kinh tế, một bên đơn phương ra công chứng ủy quyền cho bên thứ 3 thay mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh mà trong hợp đồng không có ghi điều khoản này. Vậy việc này có hợp pháp không? Xin cám ơn.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Hợp đồng kinh tế là một loại hợp đồng dân sự, nội dung hợp đồng kinh tếcó các nội dung theo quy định tại Điều 402 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
"Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:
1. Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;
2. Số lượng, chất lượng;
3. Giá, phương thức thanh toán;
4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
5. Quyền, nghĩa vụ của các bên;
6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
7. Phạt vi phạm hợp đồng;
8. Các nội dung khác."
Như vậy việc một bên đơn phương ra công chứng ủy quyền cho bên thứ 3 thay mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh với bên còn lại có thể được ghi hoặc không ghi trong hợp đồng tùy từng trường hợp cụ thể.
Điều 309 Bộ luật dân sự 2005 quy định chuyển giao quyền yêu cầu như sau:
"1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận, trừ những trường hợp sau đây:
a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền yêu cầu;
c) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu.
Người chuyển giao quyền yêu cầu phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác."
Điều 315 Bộ luật dân sự 2005 quy định chuyển giao nghĩa vụ dân sự:
"1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ."
Như vậy, nếu trong hợp đồng kinh tế của hai bên không thỏa thuận điều khoản về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thì khi chuyển giao quyền không cần phải có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, tuy nhiên khi chuyển giao nghĩa vụ thì phải có sự đồng ý của bên có quyền. Do đó, việc chuyển giao nghĩa vụ không có sự đồng ý của bên đối tác thì hợp đồng ủy quyền sẽ không có hiệu lực pháp luật.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.