Quy định điều chỉnh quan hệ sở hữu có yếu tố nước ngoài theo Bộ luật dân sự 2015
11/05/2017 15:30Cho em hỏi điểm mới của Bộ luật dân sự 2015 về quyền sỡ hữu tài sản và quyền khác đối với tài sản (Điều 677, Điều 678) với Điều 766 Bộ luật dân sự 2005.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Theo quy định tại Điều 766 Bộ luật dân sự 2005 và Điều 11 Nghị định 138/2006/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật dân sự 2005:
- Khoản 1 Điều 766 Bộ luật dân sự 2005 và Khoản 1 Điều 11 Nghị định 138/2006/NĐ-CP quy định: Việc xác định nội dung quyền sở hữu, xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu sẽ được thực hiện theo pháp luật của nước nơi có tài sản.
- Khoản 3 Điều 776 Bộ luật dân sự 2005: Việc định danh tài sản cũng được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản.
- Khoản 2 Điều 766 Bộ luật dân sự 2005: Đối với tài sản đang trên đường vận chuyển, các vấn đề liên quan đến quan hệ về quyền sở hữu tài sản sẽ được giải quyết theo pháp luật của nước do các bên thỏa thuận hoặc luật nơi tài sản được chuyển đến.
- Khoản 4 Điều 766 Bộ luật dân sự 2005: Quyền sở hữu đối với máy bay dân dụng và tàu biển tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam.
Điều 758 Bộ luật dân sự 2005 quy định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:
- Chủ thể có yếu tố nước ngoài (người nước ngoài hay người Việt nam định cư ở nước ngoài, pháp nhân nước ngoài, quốc gia khác).
- Khách thể có yếu tố nước ngoài (Tài sản hay hành vi liên quan nằm ở nước ngoài).
- Sự kiện pháp lý phát sinh hay thay đổi có yếu tố nước ngoài (sự kiện làm phát sinh thay đổi chấm dứt quan hệ xảy ra ở nước ngoài).
Khi quan hệ sở hữu có yếu tố nước ngoài làm phát sinh pháp luật của hai hay nhiều quốc gia liên quan đều có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đó xung đột pháp luật: trong trường hợp này cần phải xác định pháp luật quốc gia nào trong các hệ thống pháp luật liên quan sẽ được áp dụng.
Pháp luật các nước đều quy định luật nơi có tài sản được áp dụng nhằm điều chỉnh điều kiện phát sinh thay đổi chấm dứt quyền sở hữu:
+ Trường hợp tài sản được xác lập hợp pháp trên cơ sở pháp luật của 1 nước, sau đó được dịch chuyển sang lãnh thổ của nước khác thì quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tài sản đó được pháp luật của nước sở tại thừa nhận và nội dung của quyền sở hữu phải do pháp luật của nước sở tại qui định.
+ Luật nơi có tài sản được đa số các nước áp dụng nhằm giải quyết xung đột pháp luật về định danh tài sản.
+ Trong 1 số hệ thống pháp luật, luật áp dụng với động sản sẽ khác với luật áp dụng cho bất động sản. Do vậy cần phải xác định hệ thống pháp luật được sử dụng để định danh.
+ Hầu hết pháp luật các nước đều dựa vào tính chất có thể di dời của tài sản để định danh là động sản hay bất động sản. Tuy vậy vẫn có những khác biệt nhất định. Ví dụ: Máy bay, tàu thủy có thể được xem là bất động sản. Máy móc nông nghiệp có thể xem là bất động sản.
Điểm mới trong Bộ luật dân sự 2015: Khoản 2 của Điều 766 Bộ luật dân sự 2005 được tách thành một điều khoản riêng nhằm phân loại tài sản rõ ràng hơn. Bởi để có thể áp dụng được hệ thuộc luật nơi có tài sản trước hết cần phải phân biệt được tài sản đó là bất động sản hay động sản sau đó định nội dung pháp luật về việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản.
Bên cạnh đó Bộ luật dân sự 2015 đã lược bỏ quy định “Quyền sở hữu đối với máy bay dân dụng và tàu biển tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam”. Bởi máy bay tuy là một loại tài sản đặc biệt nhưng việc quy định phân loại tài sản là động sản, bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản được ưu tiên áp dụng nhằm thống nhất, phù hợp với pháp luật quốc tế. Quy định này không đặt ra trường hợp ngoại lệ, có tính phân biệt, tránh xung đột với pháp luật nước ngoài dẫn đến việc không có căn cứ giải quyết.
Quy định về phân loại tài sản, quy định về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản theo quy định Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Điều 677 Bộ luật dân sự 2015: Phân loại tài sản
"Việc phân loại tài sản là động sản, bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản."
Điều 678 Bộ luật dân sự 2015: Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản
"1. Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Các quyền đối với tài sản bao gồm:
- Quyền sở hữu: là quyền của chủ sở hữu, bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.
- Quyền khác đối với tài sản: là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác, bao gồm:
+ Quyền đối với bất động sản liền kề
+ Quyền hưởng dụng
+ Quyền bề mặt
Như vậy bên cạnh có sự sắp xếp để làm rõ việc áp dụng pháp luật hệ thuộc luật nước nơi có tài sản thì Bộ luật dân sự 2015 có bổ sung về quyền khác đối với tài sản mà trước đây Bộ luật dân sự 2005 chưa có quy định điều chỉnh.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.