Quốc tịch và vấn đề liên quan đến chia di sản thừa kế
25/04/2017 14:22
Em tên là Nguyễn Chúc Ng, hiện đang du học và làm việc tại Úc. Em có một số thắc mắc về luật thừa kế ở Việt Nam. Bố em mất, để lại ba căn nhà cho mẹ em, một căn thì đứng tên mẹ em, hai căn còn lại thì đứng dưới tên bố em, mặc dù bố em đã mất cách đây 6 năm, nhưng mẹ em vẫn chưa chuyển tên hai căn nhà đó.
Bố mẹ em có tất cả 3 người con, một trai và hai gái. Anh trai em có vợ nhưng đã li dị vợ và có một con đang sống ở Việt nam với mẹ em. Chị gái em có chồng và có con, có quốc tịch Úc và đang sống ở Úc. Em cũng đã lấy chồng và đang du học ở Úc. Em và chị em mặc dù sống ở Úc nhưng vẫn còn quốc tịch Việt nam, sổ hộ khẩu nhà vẫn có tên hai chị em chúng em. Nếu sau này mẹ em mất, không để lại di chúc, thì ba căn nhà (tài sản của bố mẹ em để lại) sẽ được chia như thế nào? Nếu anh trai của em cứ khăng khăng giành hết số tài sản đó thì anh ấy có vi phạm luật pháp không? Nếu trường hợp đó xảy ra thì em phải làm sao?
Em rất cần sự tư vấn của bên phía luật sư, em cảm ơn.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi.
Về câu hỏi của bạn Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
1. Những người được hưởng di sản thừa kế khi người chết không để lại di chúc
Theo dữ liệu bạn đưa ra thì bố bạn đứng tên hai căn nhà, mẹ bạn đứng tên một căn nhà tuy nhiên không phải ai đứng tên trên giấy chứng nhận cũng là người sử dụng, sở hữu do vậy, bạn cần phải xác nhận đây là tài sản chung hay tài sản riêng của bố mẹ bạn thì việc chia thừa kế mới chính xác được.
Nếu mẹ bạn mất không để lại di chúc, vì vậy phần di sản do mẹ bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005 và người thừa kế ở đây là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: những người con của bố mẹ bạn, ông bà ngoại của bạn (nếu còn).
Điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
"Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế."
Như vậy, ba anh em bạn vẫn được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau vì đều cùng một hàng thừa kế (Khoản 2 Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005).
2. Nếu anh trai của em cứ khăng khăng giành hết số tài sản đó thì anh ấy có vi phạm luật pháp không? Nếu trường hợp đó xảy ra thì em phải làm sao?
Theo như phân tích ở trên thì nếu anh trai của bạn cứ khăng khăng giành hết số tài sản đó thì anh ấy đã vi phạm luật pháp về thừa kế. Nếu trường hợp tranh chấp xảy ra bạn có quyền gửi đơn khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền để được bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự thì: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Như vậy, sau thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết), người thừa kế không còn quyền khởi kiện thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác; và sau thời hạn là 3 năm, cá nhân, tổ chức không còn quyền khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn như sau:
- Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
+ Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
+ Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
Như vậy, đối chiếu với quy định nêu trên thì nếu trong trường hợp anh em bạn có tranh chấp thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết khi đó Tòa án sẽ áp dụng các quy định của pháp luật về chia di sản thừa kế hoặc chia tài sản chung để giải quyết.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.