Nội dung di chúc không thống nhất có bị vô hiệu không?
13/05/2017 08:43
Xin chào Luật sư luật Bảo Chính. Tôi có vấn đề muốn trình bày như sau: Bà ngoại tôi là Nguyễn Thị Đ, có sinh 3 người con trai. Hiện tại các cậu đều đang sinh sống trong một ngôi nhà. Ông ngoại tôi mất sớm, lúc thời còn chiến tranh. Ngôi nhà này xây từ thời ông bà cố (tức là ba mẹ chồng của bà ngoại tôi). Ông bà cố có 3 người con. Một là ông ngoại X có 3 người con A, B, C, Hai là bà Y có 2 người con trai là D và E, ba là bà Z. Sau này ông cố mất, bà cố lúc tuổi già đã lập di chúc trong việc phân chia tài sản như sau: Người A: "cái nhà trên, cháu đích tôn là người thừa kế gia đình này". Người B: "một số đất từ nhà vệ sinh dọc xuống đụng rào phía Đông, dọc vô phía Nam, dọc lên phía Tây, muốn cất nhà chỗ nào cũng được". Người C: "2 phòng, phòng để Tivi và phòng kế nhà bếp". Bà ngoại (vợ ông X): "1 phòng". Người D & E: "3 phòng để gạo cám có khoá". Trích nguyên văn như sau: "Nay tôi làm tờ di chúc này là do chồng tôi đã nói lại khi chồng tôi đã nhắm mắt và cũng theo lời hứa của chồng, sau khi tôi nhắm mắt xin các nhân chứng và chính quyền địa phương xác nhận đúng trong tờ di chúc". Tờ di chúc thể hiện ngày 03/08/1998. Có dấu tay của bà cố, có người làm giấy và nhân chứng, có con dấu xác nhận của chính quyền địa phương tại thời điểm đó. Tôi có một số câu hỏi như sau:
1. Tài sản sẽ được phân chia như thế nào nếu nhà bị sập hoặc đập nhà?
2. Trong trường hợp không thoả thuận được việc phân chia thừa kế, ông B là người được chia "một số đất từ nhà vệ sinh dọc xuống đụng rào phía Đông, dọc vô phía Nam, dọc lên phía Tây, muốn cất nhà chỗ nào cũng được" có được quyền quyết định diện tích của mình không? Bởi vì di chúc ghi không rõ ràng diện tích nên không xác định được. "Muốn cất nhà chỗ nào cũng được" không đồng nghĩa "tất cả chỗ ấy là của mình". Tổng diện tích lô đất gần 100 m2.
3. Người D và E có thực sự được chia không?
Xin cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Tài sản sẽ được phân chia như thế nào nếu nhà bị sập hoặc đập nhà?
Theo khoản 3 Điều 667 Bộ luật dân sự quy định:
“Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực”.
Với quy định trên, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế, thì di chúc không còn hiệu lực pháp luật. Nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì di sản còn lại vẫn còn hiệu lực.
Đối với trường hợp của bạn, trường hợp nhà bị sập tại thời điểm mở thừa kế, nhưng diện tích đất không ảnh hưởng, vì vậy, người thừa kế vẫn được thừa kế diện tích đất có nhà bị sập đó. Trong trường hợp đập nhà tại thời điểm thừa kế mà không hỏi ý kiến của người thừa kế, sẽ phải bồi thường thiệt hại và nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có đơn khởi kiện của người yêu cầu.
Trong trường hợp không thoả thuận được việc phân chia thừa kế, ông B là người được chia "một số đất từ nhà vệ sinh dọc xuống đụng rào phía Đông, dọc vô phía Nam, dọc lên phía Tây, muốn cất nhà chỗ nào cũng được" có được quyền quyết định diện tích của mình không? Bởi vì di chúc ghi không rõ ràng diện tích nên không xác định được. "Muốn cất nhà chỗ nào cũng được" không đồng nghĩa "tất cả chỗ ấy là của mình". Tổng diện tích lô đất gần 100 m2.
Theo Điều 673 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về giải thích nội dung di chúc:
“Trong trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì người công bố di chúc và những người thừa kế phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì coi như không có di chúc và việc chia di sản được áp dụng theo quy định về thừa kế theo pháp luật.
Trong trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực”.
Như vậy, với quy định này xét trong trường hợp của bạn, cả hai bên không thống nhất về nội dung di chúc, thì phần không rõ ràng đó không có hiệu lực, và sẽ phải chia theo thừa kế pháp luật nếu không ảnh hưởng đến các phần còn lại trong di chúc.
Người D và E có thực sự được chia không?
Nếu di chúc trên hợp pháp, thì người D và E được chia phần di sản thừa kế đã nêu trong di chúc. Vì, theo Điều 647 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Đây là ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của bà cố cho hai người D và E, vì vậy D và E vẫn được hưởng di sản thừa kế được nêu trong di chúc.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.