Nhận cầm xe máy không có giấy tờ thì bị xử phạt như thế nào?
13/03/2017 13:19
Tôi có mở dịch vụ cầm đồ và đã có giấy phép kinh doanh. Hiện nay, tôi có cầm một chiếc xe Way Honda với giá 5.500.000đ của anh A nhưng không có giấy đăng kí xe. Hai ngày sau thì công an đã đến và tịch thu chiếc xe đó với lí do là xe anh A đã lấy trộm của người khác đi cắm. Và đã bắt tôi phải kí vào Giấy tạm giữ tang vật để giải quyết và công an đã lấy chiếc xe đó trả lại cho chủ sở hữu và thu 5.000.000đ của gia đình nhà anh A. Nhưng trong lúc làm việc trả xe và thu tiền của gia đình nhà anh A thì tôi không được biết và cũng không thấy thông báo gì về vụ việc này cũng như tôi không nhận được số tiền đó. Thấy vậy, tôi hỏi thì họ bảo không có trách nhiệm giải quyết vụ việc của tôi với anh A, tôi tự đi đòi tiền anh A nếu không được thì tôi sẽ bị mất số tiền đó.
Trong đó, khi tôi kí kết hợp đồng với anh A không phải là hợp đồng cầm đồ mà là Giấy vay tiền và để lại chiếc xe đó làm tin. Và tôi có ghi âm lại cuộc thỏa thuận giữa tôi với anh A, trong đó anh A đã nói cam đoan xe là của vợ anh ấy và nếu sai anh A sẽ chịu mọi trách nhiệm. Hiện nay tôi có giữ được Giấy phép lái xe của anh A.
Vậy cho tôi xin hỏi: Nếu anh A không trả tiền tôi có thể kiện anh A ra tòa về tội lừa đảo không? Và tôi kinh doanh sai vì cầm cố vào tài sản không có giấy đăng kí xe thì tôi sẽ bị phạt như thế nào?
Tôi mong nhận được sự tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính!
Tôi xin chân thành cảm ơn! (hoanganh....@gmail.com)
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn hoanganh...@gmail.com như sau:
Thứ nhất, về việc cầm cố tài sản được quy định tại Điều 309 Bộ Luật Dân sự năm 2015 như sau:
“Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”.
Theo thông tin bạn cung cấp thì anh A đã thực hiện hành vi trộm cắp xe của người khác sau đó đem đi cầm đồ là hành vi trái pháp luật. Việc công an tạm giữ chiếc xe và trả lại cho chủ sở hữu là đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, hậu quả pháp lý của việc cầm đồ tài sản không có giấy tờ, tài sản do phạm tội mà có thì sẽ có căn cứ để không thừa nhận giao dịch này bởi theo Điều 127 BLDS 2015: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.
Như vậy, thỏa thuận cầm cố giữa bạn và anh A thông qua Giấy vay tài sản là trái pháp luật. Đây được coi là giao dịch dân sự do bị lừa dối. Khi mang đi cầm đồ chiếc xe máy ăn trộm, anh A đã đưa ra những thông tin giả như cam đoan chiếc xe đó của vợ anh A, anh A sẽ chịu trách nhiệm để làm cho bạn tin tưởng tiến hành ký Giấy vay tiền. Đây thực chất là quan hệ cho vay có tài sản bảo đảm. Do vậy, Giấy vay tiền giữa bạn và anh A sẽ bị vô hiệu do anh A đã lừa dối.
Về hậu quả của giao dịch dân sự bị vô hiệu. Theo quy định tại Điều 131 Bộ Luật Dân sự 2015 thì:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Như đã nói trên, việc thỏa thuận cầm cố giữa bạn và anh A là vô hiệu do lỗi của cả hai bên. Lỗi của bạn là đã không kiểm tra kĩ thông tin của người cầm cố, tin tưởng lời nói của anh A. Nên trong trường hợp này, bạn và anh A phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại. Khoản nợ này đương nhiên sẽ chuyển thành khoản vay không đảm bảo. Bạn và anh A sẽ phải thỏa thuận về việc trả nợ, nếu bạn và anh A không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự trên vô hiệu.
Thứ ba, về câu hỏi cầm cố tài sản không có giấy đăng kí xe thì tôi sẽ bị phạt như thế nào, Công ty Luật Bảo Chính trả lời như sau:
Căn cứ, Khoản 2 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội quy định:
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Kinh doanh không đúng ngành, nghề địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
b) Thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh mà không có văn bản thông báo với cơ quan có thẩm quyền;
c) Cho mượn, cho thuê, mua, bán giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
d) Nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu nhưng không có các loại giấy tờ đó;
đ) Nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định;
e) Cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố;
g)Bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền;
h)Hoạt động kinh doanh vũ trường, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino nhưng không có bảo vệ là nhân viên của công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo quy định;
i) Bán hoặc cho thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên cho những đối tượng không có giấy phép sử dụng loại thiết bị trên của cơ quan có thẩm quyền.”
Do vậy, trong trường hợp này có thể bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cầm cố tài sản của người khác mà không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho trường hợp bạn đang quan tâm. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi để chúng tôi tư vấn hoặc nghe luật sư vấn khi gọi 19006281./.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.