Nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm
09/05/2017 16:14Chào Luật sư! Tôi lấy chồng vào năm 2010 và năm 2011 có 1 cháu trai. Đến năm 2015, chúng tôi xảy ra mâu thuẫn nên tôi làm đơn xin ly hôn vào tháng 10/2015, đến tháng 11/2015 Tòa giải quyết cho chúng tôi thuận tình ly hôn và giao con cho tôi nuôi nhưng chồng tôi không đồng ý với bản án và làm đơn kháng cáo. Tháng 12/2015 tôi mới biết mình có thai với chồng. Tôi làm đơn xin rút đơn yêu cầu giải quyết ly hôn vào đầu tháng 2 trước lúc xét xử phúc thẩm. Đến tháng 2/2016, Tòa phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền nuôi con và bác bỏ việc rút đơn của tôi và quyết định chồng tôi nuôi con. Tôi muốn hỏi Tòa xử vậy có đúng không? Cảm ơn Luật sư!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Căn cứ Điều 269 Bộ luật tố tụng dân sụ 2004 quy định nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm như sau:
"1. Trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tuỳ từng trường hợp mà giải quyết như sau:
a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;
b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Toà án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
2. Trong trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục do Bộ luật này quy định nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn."
Mặt khác, Khoản 2 Điều 18 Nghị quyết 06/2012/NQ - HĐTP như sau:
"Trong thời hạn nguyên đơn có quyền kháng cáo, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện, thì Toà án cấp sơ thẩm cần phải giải thích cho họ biết hậu quả của việc bị đơn không đồng ý để họ quyết định việc kháng cáo hoặc rút đơn khởi kiện.
Trường hợp nguyên đơn vẫn quyết định rút đơn khởi kiện thì Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn biết và yêu cầu bị đơn phải trả lời bằng văn bản cho Toà án cấp sơ thẩm về việc họ có đồng ý hay không đồng ý trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án. Tuỳ thuộc vào kết quả trả lời của bị đơn mà giải quyết như sau:
a) Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm nhận được văn bản trả lời của bị đơn không đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị không có đương sự nào kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, thì việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn đương nhiên không được chấp nhận. Trong trường hợp này bản án sơ thẩm được coi là không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
b) Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm nhận được văn bản trả lời của bị đơn đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, thì không phân biệt trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị có đương sự nào kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị hay không, Toà án cấp sơ thẩm đều phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị, văn bản rút đơn khởi kiện cho Toà án cấp phúc thẩm để Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào Điều 269 của BLTTDS mở phiên toà giải quyết vụ án theo thủ tục chung."
Như vậy, nếu trước khi mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, bạ có đơn rút đơn khởi kiện, nếu chồng bạn đồng ý thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; coi như hai bên chưa thực hiện thủ tục ly hôn.
+ Nếu chồng bạn không đồng ý, thì Tòa án vẫn ra quyết định xét xử và bác yêu cầu rút đơn của bạn.
Nếu Tòa án thực hiện theo trình tự, thủ tục như trên thì Tòa án ra phán quyết đối với bạn là có đúng pháp luật.
Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, đối với việc xác định người trực tiếp nuôi con khi ly hôn dựa trên những nguyên tắc sau:
+ Sự thỏa thuận của vợ chồng
+ Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của trường hợ con từ đủ 7 tuổi trở lên thì xem xét nguyện vọng của con.
Theo thông tin bạn cung cấp, con bạn sinh năm 2011, đến năm 2016 chưa đủ 7 tuổi, vì vậy, trong trường hợp này, khi xem xét người có quyền trực tiếp nuôi con Tòa án căn cứ vào việc bảo vệ quyền lợi về mọi mặt cho con. Ở đây, Tòa án dựa trên quyền lợi bảo đảm cho con trai bạn để quyết định chồng bạn là người nuôi con và tòa phúc thẩm phải chứng minh được việc ra bán án cho người chồng nuôi con là có căn cứ.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.