Người bảo lãnh và việc xử lý tài sản bảo đảm của người bảo lãnh
24/04/2017 19:03
Mong Luật sư tư vấn! Do cần vốn làm ăn nên ngày 10/5/2013, A đã vay ngân hàng B số tiền là 100 triệu với thời hạn là 1 năm. Để bảo đảm cho khoản vay này, C đã tự nguyện đứng ra bảo lãnh khả năng trả nợ cho A đối với ngân hàng B. Tuy nhiên, ngân hàng B yêu cầu C phải có tài sản bảo đảm.
Theo đó, C đã thế chấp căn hộ chung cư có giá trị 1 tỷ đồng cho ngân hàng B. Tuy nhiên, căn nhà này đã được C thế chấp để vay tại ngân hàng D số tiền 300 triệu. Khi thế chấp, C đã thông báo cho ngân hàng D. Sau khi hết thời hạn hợp đồng, A đã không thanh toán đầy đủ số tiền cho ngân hàng B, nên ngân hàng B đã làm thủ tục để bán đấu giá căn hộ chung cư của C (lúc này, C đã thanh toán toàn bộ số nợ với ngân hàng D và đã xóa thế chấp ngôi nhà tại ngân hàng D).
Câu hỏi:
1. Có bao nhiêu giao dịch được nói đến trong tình huống?
2. A có bắt buộc phải ký vào hợp đồng bảo lãnh không? Tại sao?
3. Việc ngân hàng B bán đấu giá căn hộ chung cư của C là đúng hay sai?
4. Xác định số tiền mà C phải trả cho ngân hàng B trong các trường hợp sau đây (giả sử C chỉ cam kết bảo lãnh 50% nghĩa vụ của A đối với ngân hàng B):
a. A chưa trả được đồng nào
b. A trả được 25 triệu
c. A trả được 50 triệu
d. A trả được 75 triệu
Trân trọng cảm ơn!
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Điều 361 BLDS quy định:
"Điều 361. Bảo lãnh
Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình."
Các thăc mắc của bạn chúng tôi giải đáp như sau:
1. Có bao nhiêu giao dịch được nói đến trong tình huống?
Nếu không xét tới tính hợp pháp của biện pháp thế chấp tài sản của bên bảo lãnh thì sẽ có 04 giao dịch trong trường hợp trên. Cụ thể:
- Giao dịch vay tài sản giữa A với ngân hàng B.
- Giao dịch bảo lãnh giữa C và A.
- Giao dịch thế chấp tài sản của C với ngân hàng B.
- Giao dịch thế chấp tài sản của C với ngân hàng D.
2. A có bắt buộc phải ký vào hợp đồng bảo lãnh không? Tại sao?
Hợp đồng bảo lãnh là sự thỏa thuận của bên bảo lãnh nhận thực hiện thay nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh trước bên có quyền. Vì vậy, để xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên thì bắt buộc các bên phải ký vào hợp đồng bảo lãnh. Trong trường hợp không biết chữ thì phải lăn tay điểm chỉ. Vì vậy, A phải ký vào hợp đồng bảo lãnh.
3. Việc ngân hàng B bán đấu giá căn hộ chung cư của C là đúng hay sai?
"Điều 369. Xử lý tài sản của bên bảo lãnh
Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh. "
Với quy định này thấy rằng, C phải đem tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ thay A chứ không phải ngân hàng mang tài sản của C ra bán. Tuy nhiên, trong trường hợp này ngân hàng buộc C phải thế chấp ngôi nhà nên đối chiếu vào quy định hậu quả pháp lý của biện pháp thế chấp để xem xét.
"Điều 355. Xử lý tài sản thế chấp
Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 336 và Điều 338 của Bộ luật này."
"Điều 336. Xử lý tài sản cầm cố
Trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thoả thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố. "
Nếu theo quy đinh này thì việc làm của Ngân hàng là đúng pháp luật.
4. Xác định số tiền mà C phải trả cho ngân hàng B trong các trường hợp sau đây (giả sử C chỉ cam kết bảo lãnh 50% nghĩa vụ của A đối với ngân hàng B):
"Điều 363. Phạm vi bảo lãnh
Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh
Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác."
Do C chỉ cam kết bảo lãnh 50% nên dù A chưa trả được tiền, trả được 25 triệu hay 50 triệu thì C cũng chỉ phải thanh toán thay A 50 triệu đồng. Đối với trường hợp A đã thah toán được 75 triệu đồng thì C chỉ phải thanh toán 25 triệu đồng.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.