Mẹ mất không để lại di chúc bố tự ý bán đất đai có được không?
06/05/2017 09:49Dear luật sư. Tôi viết lá thư này với thân phận để đòi lại công bằng cho người mẹ đã mất của tôi. Về luật pháp tôi không được am hiểu cho lắm mà sự việc tôi muốn hỏi nó khá phức tạp. Thưa luật sư. Tôi là con trai cả trong 1 gia đình có 3 chị em. Chị tôi đã lấy chồng và ở riêng. Gia đình tôi ở nông thôn nên một số tài sản không có giấy tờ ( cụ thể là đất ruộng). Mẹ tôi trước khi mất với tâm nguyện là cho chị gái tôi mảnh ruộng mà cả gia đình đã làm lâu nay và bố tôi cũng đã đồng ý( trên lý thuyết sẽ ko có giá trị). Nhưng ở nông thôn với lại tài sản cũng không lớn để làm di chúc này kia. Mẹ tôi ra đi quá đột ngột và tôi và em trai tôi hoàn toàn đồng ý với di nguyện của mẹ. Nhưng khi mẹ tôi mất ba tôi ko làm theo và sự việc tồi tệ hơn là ba tôi có người phụ nữ khác ngay sau đó. Và rồi họ thông đồng với nhau gì đó mà chúng tôi ko biết( cả 2 anh em đi làm xa). Với rẫy của ba tôi đã bán mà chưa có sự đồng ý của tôi. Nhưng tôi thấy với mục đích chính đáng nên cũng không nói gi. Nhưng mục đích đó ko làm được và ba tôi đã tự rút hết trong sổ tiết kiệm để làm gì mà ko báo với ai trong gia đình. Chúng tôi đã họp gia đình nhưng ba tôi nhất định ko nói. Chúng tôi cũng ko ép ba nhưng chỉ cần biết làm gì và cho ai mượn với số tiền đó. Chúng tôi yêu cầu ba làm theo di nguyện của mẹ là cho chị gái tôi mảnh ruộng mà mẹ tôi đã cho.( hàng xóm ai cũng biết chuyện này). Nhưng nhất định ba tôi ko đồng ý.Sau đó ba tôi lại tiếp tục bán miếng ruộng đó. ( ở đây hàng xóm quanh đó ko ai mua vì biết là ruộng mẹ tôi đã cho chị tôi, mà bán cho người lạ thì cần xác nhận của thôn). Trưởng và phó thôn biết chuyện nên có gọi điện thông báo cho chúng tôi và ko xác nhận cho ba tôi( tôi rất cảm ơn vì họ làm đúng). Nhưng ba tôi và cô đó( bồ ba tôi) đã giả chữ kí của phó thôn và bán ruộng. Sau khi cầm tiền ba tôi và cô đó đã đi khỏi nhà. Sự việc là như vậy thưa luật sư. Ba con trong nhà chúng tôi không muốn đưa nhau ra cán cân công lý nhưng tôi ko thể nhìn ba tôi như vậy được. Vậy chúng tôi phải làm gì mong luật sư chỉ giúp nhé.?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 33, Luật hôn nhân gia đình năm 2014 như sau: "Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng." Trong trường hợp của anh, vì mành ruộng và đất rẫy của bố, mẹ anh hình thành trong quá trình hôn nhân nên đây là tài sản chung của bố , mẹ anh. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Nhưng mẹ anh đã mất, mà không để lại di chúc nên phần tài sản của mẹ anh đó sẽ được chia thừa kế.
Theo đó, di sản sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại Điều 674 Bộ luật dân sự 2005: "Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định." Khi chia thừa kế theo pháp luật, thứ tự phân chia sẽ được phân chia theo hàng thừa kế theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Theo đó, tài sản chung của bố mẹ anh hình thành trong quá trình hôn nhân nên trước tiên tài sản sẽ được chia cho bố anh một nửa. Nửa phần di sản của mẹ anh sẽ được chia 4 phần cho bố anh, 3 người con.
Căn cứ quy định tại Điều 128, Bộ luật dân sự 2005:
"Điều 128. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng."
Như vậy, hành vi tự ý bán đất ruộng khi chưa có sự đồng ý của những người thừa kế là trái với quy định của pháp luật, nên giao dịch dân sự này là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Nên anh có thể yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và thực hiện thủ tục khởi kiện đòi chia di sản thừa kế tại tòa án nhân dân cấp huyện.
Nếu bố anh có hành vi trốn tránh trách nhiệm, bỏ trốn thì có thể tố cáo tới cơ quan công an để xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139, Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.