Lừa đảo trong kinh doanh và trường hợp cụ thể
27/04/2017 14:08
Em đang có thắc mắc cần luật sư tư vấn. Em xin được thuật lại câu chuyện như sau: Bên công ty E ( gọi tắt là bên B) Và bên chủ đầu tư (gọi tắt là bên A) đã ký với nhau hợp đồng nâng cấp và sửa chữa văn phòng, bên B có cấp vật tư và nhân công.
Do có mối quan hệ trước đó nên khi chưa ký hợp đồng bên B đã đưa người vào làm, sau đó hai bên thống nhất ký hợp đồng, trong hợp đồng có nội dung bên B tạm ứng 50% tổng giá trị hợp đồng và đồng thời phải xuất hóa đơn GTGT trước cho bên A rồi bên A sẽ chuyển tiền. Tuy nhiên, khi bên B đã xuất hóa đơn sang cho bên A thì sau đó 2 ngày bên A không chuyển tiền và gọi điện báo dừng hợp đồng. Bên B có hỏi lý do thì bên A không giải thích gì và vẫn bảo phải dừng luôn. Bên B đã tạm dừng công việc và chuyển máy móc thi công ra khỏi công trường. - Em xin được nói thêm là trong hợp đồng không có điều khoản phạt hay bồi thường khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng chỉ có điều khoản phạt khi một trong hai bên làm chậm kế hoạch thi công. Cụ thể, nếu bên B chậm tiến độ thì sẽ bị bên A phạt và giảm trừ vào khối lượng 3 triệu đồng/ngày. Còn khi bên A nhập thiết bị về chậm so với kế hoạch mà hai bên thống nhất thì bên A sẽ bồi thường cho bên B 4 trăm nghìn đồng/ ngày/ 1 nhân công. - Vậy cho em được hỏi luật sư:
1. Trong trường hợp này đây có phải là một hình thức lừa đảo của bên A không?. Căn cứ vào văn bản luật nào?.
2. Em cũng đã hỏi tư vấn ở trung tâm về vấn đề: Có thể đây là bên A đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên bên A chưa chuyển công văn đơn phương chấm dứt HĐ sang bên B. Trong trường hợp nếu bên A không chuyển công văn sang cho bên B thì bên B sẽ phải tiến hành các thủ tục như thế nào để đảm bảo quyền lợi của mình. Việc bên A đã thông báo qua điện thoại việc bên B phải dừng công việc có được coi là đúng pháp luật không?.
3. Nếu thông báo của bên A cho bên B bằng điện thoại về việc dừng hợp đồng là không đúng thì coi như hợp đồng vẫn còn hiệu lực và như vậy có phải bên B có quyền đánh công văn sang cho bên A để đề nghị bên A tiến hành tạm ứng hợp đồng 50% có đúng không?. Trong trường hợp này thì bên A mặc dù đã nhận hóa đơn GTGT từ bên B nhưng vẫn không tiến hành giải ngân thì bên B có quyền chuyển công văn chấm dứt hợp đồng vì do bên A không thực hiện điều khoản thanh toán theo nội dung hợp đồng. lúc này bên B sẽ phải tiến hành các thủ tục gì để đảm bảo quyền lợi của mình?.
Xin cảm ơn sự giúp đỡ tư vấn của trung tâm.
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Vấn đề thắc mắc của bạn chúng tôi khái quát lại và tư vấn dựa trên hai nội dung sau:
1. Hành vi của bên A có phải là hành vi lừa đảo không?
Để xác định được hành vi của Công ty A có phải lừa đảo hay không trên thực tế rất phức tạp, không dễ dàng chứng minh. Trong pháp luật hình sự có hai tội là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, điểm chung của hai tội là người phạm tội sử dụng các thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại. Tuy nhiên điểm khác biệt giữa hai tội là thời điểm xuất hiện mục đích chiếm đoạt, nếu như người phạm tội có mục đích trước khi nhận được tài sản từ bị hại thì phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và ngược lại.
Quay trở lại vấn đề ở đây là Công ty E (bên B) và bên chủ đầu tư (bên A) đã giao kết một hợp đồng dịch vụ có nội dung là sửa chữa, nâng cấp văn phòng. Đây là loại hợp đồng song vụ theo Khoản 1-Điều 402-BLDS năm 2015: Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau. Mặt khác, theo thông tin bạn cung cấp thì bên A và bên B có quan hệ làm ăn trước đó nên đã dễ dàng giao kết hợp đồng nên có thể đặt ra giả thiết bên A đã lạm dụng sự tín nhiệm của bên B để chiếm đoạt 50% tổng giá trị hợp đồng mà bên B đã tạm ứng. Tuy nhiên, theo chúng tôi trong trường hợp bạn đưa ra chỉ đơn thuần là quan hệ dân sự và hành vi của bên A không phải lừa đảo bởi:
- Thứ nhất, hai bên đã thiết lập với nhau một hợp đồng dân sự dựa trên sự thỏa thuận. Cụ thể là hợp đồng sửa chữa, nâng cấp văn phòng.
- Thứ hai, sau khi bên A nhận được tiền tạm ứng 50% giá trị hợp đồng và hóa đơn xuất giá trị gia tăng mặc dù họ không thực hiện nghĩa vụ nhưng họ có thông báo bằng điện thoại. Với tình tiết này thấy rằng không đủ cơ sở để khẳng định bên A đã lừa đảo bên B. Bởi trong thực tế sau khi chiếm đoạt được tài sản của bị hại, người phạm tội sẽ tìm cách che giấu không để cho bị hại biết hành vi, mục đích cụ thể của mình.
Chính vì vậy, hành vi của bên A không được coi là hành vi lừa đảo mà cụ thể hành vi này là hành vi gì thì chúng tôi sẽ giải đáp ở phần tiếp theo.
2. Việc thông báo bằng điện thoại của bên A có được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng không? Công ty B cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
- Rõ ràng ta nhận thấy, trong trường hợp này bên A đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, tuy nhiên cần phải giải quyết hai vấn đề để xem xét tính hợp pháp của việc đơn phương này.
+ Một là, dùng điện thoại thông báo có được coi là hình thức thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không?
Khoản 2-Điều 428-BLDS 2015 có quy định: Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Theo quy định này, công việc cần làm của bên đơn phương chấm dứt hợp đồng là thông báo cho bên đối tác biết việc đơn phương này và cũng không quy định rằng phải thông báo bằng văn bản hay hình thức khác. Đối chiếu vào quy định của pháp luât dân sự, một giao dịch dân sự được xác lập có thể dựa trên một hành vi pháp lý đơn phưng hoặc một hợp đồng. Chính vì vậy, việc thông báo bằng điện thoại của bên A có thể được chấp nhận là một lời thông báo có hiệu lực.
+ Hai là, bên A đơn phương chấm dứt hợp đồng có đúng pháp luật không?
Khoản 1-Điều 428-BLDS năm 2015 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng như sau:
"Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định". Theo quy định này, sẽ có ba trường hợp để bên A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với bên B, cụ thể như sau:
(1) Bên B vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng.
Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên không thể xác định được công ty bạn có vi phạm nghĩa vụ nào tới mức nghiêm trọng mà đó là điều kiện để bên A được quyền chấm dứt hợp đồng hay không? Chính vì vậy, giả sử Công ty bạn vi phạm thì việc đơn phương của bên A là đúng và ngược lại.
(2) Hai bên có thỏa thuận về trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
Trường hợp này hoàn toàn dựa trên ý chí của các chủ thể tham gia vào giao dịch dân sự. Dựa vào thông tin bạn cung cấp nhận thấy việc đơn phương của bên A sẽ không thuộc trường hợp này do trong hợp đồng không có điều khoản đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
(3) Đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Khoản 1-Điều 520-BLDS 2015 quy đinh như sau:
"Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại".
Theo đó, nếu việc tiếp tục thực hiện hợp đồng sửa chữa, nâng cấp văn phòng mà gây những bất lợi cho bên A thì bên A có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên theo thông tin bạn cung cấp thì không thể xác định được bên A có thực sự gặp bất lợi hay không. Điều này có nghĩa nếu không thì việc chấm dứt của bên A là trái quy định của pháp luật, vi phạm hợp đồng.
- Giả sử hành vi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng của bên A là trái pháp luật thì bên B cần thực hiện việc sau để bảo vệ quyền lợi của mình.
+ Theo quy định tại điểm b-khoản 1-Điều 423-BLDS năm 2015, bên B có quyền hủy bỏ hợp đồng do bên A vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng làm cho bên B không đạt được mục đích giao kết hợp đồng. Đồng thời bên B phải thông báo cho bên A biết về việc hủy bỏ hợp đồng. Tại Điều 427-BLDS 2015 quy định, khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng đó chấm dứt hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận...Theo đó, bên B có quyền đề nghị bên A trả lại 50% giá trị hợp đồng.
+ Theo quy định tại khoản 2-Điều 520-BLDS năm 2015: Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Như vậy, bên B có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng do bên A đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng đó là thanh toán tiền. Phía bên B cần phải thông báo cho bên A biết việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, yêu cầu trả lại tiền tạm ứng và có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp mà bên A không thực hiện các yêu cầu đó thì bên B có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp buộc bên A trả lại tài tài và bồi thường thiệt hại với thời hiệu khởi kiện là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429-BLDS 2015).
- Giả sử hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên A là đúng thì bên B cần phải yêu cầu bên trả lại tiền tạm ứng cho mình và yêu cầu thanh toán cho phần công việc đã thực hiện.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.