Lấy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của người khác đi thế chấp
13/04/2017 08:51
Ba tôi thường xuyên rượu chè và có quan hệ với người phụ nữ khác, còn lấy trộm tiền của mẹ tôi để tiêu xài. Gần đây mẹ tôi phát hiện ông đã lấy sổ đỏ của căn nhà chúng tôi đang ở để thế chấp ngân hàng lấy tiền ăn chơi riêng lúc nào không biết.
Vậy ngân hàng có đúng khi cho ba tôi vay tiền mà không có sự đồng ý của mẹ tôi. Nếu ông không chịu trả tiền cho ngân hàng thì ngân hàng có quyền phát mại căn nhà chúng tôi đang ở hay không (sổ đỏ đứng tên một mình mẹ tôi)? Mẹ và chúng tôi có phải chịu trách nhiệm trả nợ cho ông hay không. Xin chân thành cảm ơn.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
1. Về trách nhiệm đối với khoản vay do bố bạn xác lập tại ngân hàng
Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng như sau:
“1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;
2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.”
Đối chiếu với trường hợp bạn nêu, bố bạn đã một mình làm thủ tục vay vốn Ngân hàng mà mẹ bạn không hề biết; do vậy đây là nghĩa vụ riêng về tài sản của bố bạn. Bố bạn có phải tự thực hiện nghĩa vụ trả nợ tại Ngân hàng và mẹ con bạn không có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ trả nợ này.
2. Về quyền phát mại tài sản là ngôi nhà của Ngân hàng
Theo thông tin bạn cung cấp bố bạn đã giấu mẹ bạn mang sổ đỏ đi thế chấp tại Ngân hàng nhưng việc thế chấp không phải là một thủ tục đơn giản và dễ dàng. Bạn cần tìm hiểu xem bố bạn và Ngân hàng có ký hợp đồng thế chấp tài sản không? Hay Ngân hàng chỉ cầm giữ sổ đỏ mà chưa ký hợp đồng thế chấp? Vì trên thực tế, có nhiều trường hợp Ngân hàng cho vay bằng các hình thức khác (tín chấp, cầm cố, thế chấp bằng tài sản khác...); việc Ngân hàng cầm giữ sổ đỏ chỉ mang tính chất bổ sung, dự phòng.
Trường hợp thứ nhất: Ngân hàng và bố bạn không ký hợp đồng thế chấp để nhận thế chấp tài sản là ngôi nhà của gia đình bạn. Như vậy, giữa Ngân hàng và bố bạn chưa phát sinh quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật; đương nhiên Ngân hàng cũng không có quyền phát mại tài sản thế chấp là ngôi nhà này.
Trường hợp thứ hai: Ngân hàng và bố bạn đã ký hợp đồng thế chấp để nhận thế chấp tài sản là ngôi nhà đứng tên sổ đỏ là mẹ bạn.
Theo thông tin bạn cung cấp, mẹ bạn là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu ngôi nhà nhưng lại không hề hay biết việc thế chấp tài sản đó tại Ngân hàng. Do vậy, hợp đồng thế chấp mà bố bạn và Ngân hàng đã xác lập có thể là giao dịch vô hiệu.
Mẹ bạn có quyền gửi đơn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng thế chấp đã ký giữa bố bạn và Ngân hàng là vô hiệu. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”
Khi hợp đồng thế chấp bị tòa án tuyên vô hiệu, Ngân hàng không thể thực hiện việc phát mại tài sản theo quy định.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn.
Nếu còn vướng mắc, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để nhân được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Công ty luật Bảo Chính.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.