Ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước khi sổ đỏ được điều chỉnh có đúng không?
12/05/2017 10:34
Tôi ở Kiên Giang, tôi có chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào ngày 11/8/2016 được văn phòng công chứng chứng nhận. Vì địa chỉ thường trú của tôi với địa chỉ thường trú trong giấy đất khác nhau nên tôi đã nhờ nhân viên soạn thảo đánh địa chỉ thường trú đúng hiện tại của tôi trong hợp đồng và công chứng, rồi sau đó tôi mới đi điều chỉnh địa chỉ thường trú sai trong giấy đất sau và được điều chỉnh xong ngày 17/11/2016. Và giờ người nhận chuyển nhượng nộp vào UBND huyện thì được nhân viên tiếp nhận hồ sơ cho rằng hợp đồng trên sai với lý do công chứng hợp đồng chuyển nhượng đất trước ngày điều chỉnh xong địa chỉ thường trú theo đúng hiện tại của tôi trong giấy đất.
Vậy hợp đồng chuyển nhượng trên có hợp lệ không? Ai đúng ai sai? Mong Luật sư tư vấn giúp!?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
Vì sự việc của bạn xảy ra trước năm 2017 nên sẽ áp dụng Bộ luật dân sự 2005. Căn cứ Điều 698 Bộ luật dân sự 2005 quy định nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm:
+ Tên, địa chỉ của các bên như: Họ tên, chứng minh nhân dân, nơi cấp, ngày cấp; hộ khẩu thường trú; địa chỉ hiện tại, số điện thoại liên lạc của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng.
- Nếu đất chuyển nhượng thuộc quyền sử dụng chung của vợ chồng thì phần bên chuyển nhượng phải ghi đủ thông tin và có chữ ký của cả hai vợ chồng.
- Nếu đất chuyển nhượng thuộc quyền sở hữu chung của nhiều người thì cũng ghi nội dung và đầy đủ chữ ký của các đồng sử dụng hoặc chỉ ghi tên, chữ ký của một người đại diện – nếu những người khác có ủy quyền hợp lệ cho người đại diện đứng ra thực hiện giao dịch với bên nhận chuyển nhượng.
- Trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng có vợ hoặc chồng thì cũng cần ghi đủ các thông tin về cả hai vợ chồng.
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên:
- Bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ: Chuyển giao đất cho bên nhận chuyển nhượng đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, ví trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thỏa thuận; giao giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng
- Bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất có quyền được nhận tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
- Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ: trả đủ tiền, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận cho bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đảm bảo quyền của người thứ ba đối với đất chuyển nhượng; thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có quyền: yêu cầu bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất giao đất đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thỏa thuận; được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất được chuyển nhượng; được sử dụng đất theo đúng mục đích, đúng thời hạn.
+ Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất (ghi theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
+ Thời hạn sử dụng đất của bên chuyển nhượng; thời hạn sử dụng đất con lại của bên nhận chuyển nhượng.
+ Giá chuyển nhượng (do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật).
+ Phương thức, thời hạn thanh toán (có đặt cọc không? Trả tiền một lần hay nhiều lần, việc giải quyết tiền đặt cọc đã nhận, trả bằng tiền mặt hay chuyển khoản…)
+ Quyền của người thứ ba đối với đất chuyển nhượng (nếu có).
+ Các thông tin khác liên quan đến quyền sử dụng đất (hiện có cầm cố, thế chấp ở đâu không? Nếu có thì trách nhiệm giải quyết thế nào?...)
+ Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng (phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán; chậm bàn giao đất….)
Như vậy, về cơ bản trong hợp đồng chuyển nhượng các bên sẽ ghi các thông tin theo quy định trên.
Do vậy, về thông tin thửa đất phải được ghi đúng theo nội dung trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hành vi bạn tự ý sửa địa chỉ thường trú của bạn theo địa chỉ hiện tại trong hợp đồng chuyển nhượng nhưng lại không trùng với địa chỉ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng không đảm bảo hợp pháp về mặt nội dung. Do vậy, việc Ủy ban nhân dân huyện trả lời như vậy là hoàn toàn hợp lý. Trường hợp này, bạn và bên giao kết còn lại có thể đến văn phòng công chứng đã thực hiện công chứng để hủy bỏ hợp đồng và ký lại cho phù hợp với nội dung và thời hạn theo quy định của Điều 51 Luật công chứng 2014.
"Điều 51. Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch
1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này."
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng !
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.