Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
04/05/2017 14:38
Gia đình tôi chuyên cung cấp các dịch vụ vận chuyển hành khách đi tham quan, du lịch, cưới hỏi....theo hợp đồng bằng văn bản hoặc theo thỏa thuận bằng lời.
Luật sư cho tôi hỏi có phải bất kỳ một dịch vụ vận chuyển nào của chúng tôi cũng cần phải có hợp đồng bằng văn bản hay không? Trong trường hợp chúng tôi ký hợp đồng với cá nhân ( không phải là pháp nhân) thì chữ ký của người đó có giá trị trong hợp đồng hay không?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Nếu gia đình bạn là đơn vị kinh doanh vận tải, có giấy phép kinh doanh thì đối với hoạt động kinh doanh vận tải hình thức hoạt động theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:
+ Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng:
"Điều 7. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng
1. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải.
2. Khi thực hiện vận tải hành khách theo hợp đồng, lái xe phải mang theo bản chính hoặc bản sao hợp đồng vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới).
3. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2015, đối với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.
4. Ngoài hoạt động cấp cứu người bị tai nạn giao thông, phục vụ các nhiệm vụ khẩn cấp như thiên tai, địch họa theo yêu cầu của lực lượng chức năng, xe ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng không được đón, trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng.
5. Không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức.
+ Đối với vận tải khách du lịch thì:
"Điều 8. Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô
1. Kinh doanh vận tải khách du lịch là kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định được thực hiện theo chương trình du lịch và phải có hợp đồng vận tải khách du lịch bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh du lịch hoặc lữ hành.
2. Khi thực hiện vận tải khách du lịch, lái xe phải mang theo hợp đồng vận tải khách du lịch hoặc hợp đồng lữ hành (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của đơn vị kinh doanh du lịch); chương trình du lịch và danh sách hành khách.
3. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2015, đối với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng vận tải khách du lịch hoặc hợp đồng lữ hành, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.
4. Ngoài hoạt động cấp cứu người bị tai nạn giao thông, phục vụ các nhiệm vụ khẩn cấp như thiên tai, địch họa theo yêu cầu của lực lượng chức năng, xe ô tô vận tải khách du lịch không được đón, trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng.
5. Không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức.
6. Xe ô tô vận tải khách du lịch được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón trả khách du lịch, phục vụ tham quan du lịch tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú du lịch theo quy định của Ủy ban nhân dân cấptỉnh.
7. Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định về vận tải khách du lịch bằng xe ô tô và cấp, đổi, thu hồi biển hiệu cho xe ô tô vận chuyển khách du lịch."
Vây, với hai loại vận tải hành khách trên thì đều bắt buộc phải ký hợp đồng vận tải hành khách. Với loại kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thì hợp đồng bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải. Nếu là kinh doanh vận tải khách du lịch thì hợp đồng bằng văn bản được ký giữa đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh du lịch hoặc lữ hành. Ký hợp đồng vận tải giữa đơn vị kinh doanh vận tải và lữ khách là ký hợp đồng với cá nhân nên đương nhiên chữ ký của người đó có giá trị và làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng.
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.