Kiện đòi tài sản và giá trị pháp lý về việc mua bán quyền sử dụng đất
10/05/2017 10:56Chào luật sư! Vào năm 2011 vì tôi đang sống ở nước ngoài nên tôi có nhờ Mợ của tôi đang sống ở Chư Sê nhận giúp tôi số tiền là hơn 700 triệu từ bạn tôi trả cho tôi (lúc mợ tôi có nhận tiền có ghi giấy chứng nhận nhận tiền cua bạn tôi. Nhưng giờ bạn tôi đã làm mất giấy đó.) Sau khi nhận tiền mợ tôi hỏi tôi có muốn mua đất rẫy tại Chư Sê của Mợ tôi không? Chúng tôi có mua bán bằng miệng không qua bất cứ giấy tờ nào. Sau khi mua đất bằng miệng từ 2011 đến 2014 tôi yêu cầu mợ tôi lam giấy tờ cho tôi nhưng mợ tôi cứ lần lữa ko chịu làm giấy. Tôi nói nếu ko làm giấy thì trả tiền lại cho tôi. Giấy chứng nhận mợ tôi nhận nợ đã mất nhưng tôi có tin nhắn trong điện thoại và là số điện thoại Việt Nam của mợ tôi nói rõ ràng đã nhận tiền của tôi. Tháng 7/2016 này tôi về Việt Nam để giải quyết nhưng mợ tôi không có ý định tra lại tiền hay cũng như đất cho tôi. Giờ tôi chỉ có 2 người làm chứng là giao tiền cho mợ tôi và tin nhắn trong điện thoại chứng nhận mợ tôi đã nhận tiền của tôi. Nếu trường hợp mợ tôi lật lại tôi không có giấy chứng nhận mợ tôi nhận tiền. Mà tôi chỉ có 2 người làm chứng va tin nhắn trong điện thoại tôi có thể khởi kiện đòi lại tiền được không ạ? Cảm ơn luật sư!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Trong trường hợp của bạn, bạn ủy quyền của mợ của bạn nhận tiền. Khi nhận tiền có giấy tờ xác nhận và người làm chứng. Sau đó, mợ của bạn và bạn lại thực hiện một giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng lời nói qua điện thoại. Với trường hợp này, giải quyết theo hướng sau:
Thứ nhất, đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng, còn bên nhận chuyển nhượng trả tiền cho bên chuyển nhượng theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai (Điều 697 Bộ luật dân sự 2005). Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực. Căn cứ Điều 127 Luật đất đai 2003 thì trình tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất được thực hiện như sau:
- Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.
- Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nộp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại nông thôn thì nộp tại Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất để chuyển cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;
- Trong thời hạn không quá mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp các bên chuyển nhượng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính mà nghĩa vụ tài chính đó được xác định theo số liệu địa chính thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thông báo cho các bên chuyển nhượng thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, các bên tham gia chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi đã nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, bạn và mợ bạn chỉ giao kết bằng lời nói. Vì thế, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp này sẽ vô hiệu. Hậu quả giải quyết hợp đồng vô hiệu là hai bên trả cho nhau những gì đã nhận, nếu một bên đã thực hiện một phần nghĩa vụ thì bên còn lại phải thanh toán tương ứng với phần nghĩa vụ đó (Điều 137 Bộ luật dân sự 2005).
Thứ hai, hợp đồng ủy quyền nhận tiền. Bạn đã ủy quyền cho mợ bạn đứng ra nhận tiền giúp bạn. Tuy nhiên, bạn của bạn làm mất giấy ủy quyền và mợ bạn có dấu hiệu không trả lại số tiền đã nhận. Trong trường hợp này, bạn có thể khởi kiện ra Tòa, yêu cầu Tòa án giải quyết. Nội dung khởi kiện là tranh chấp về hợp đồng ủy quyền. Mặc dù giấy tờ giao nhận tiền đã mất nhưng bạn vẫn có thể đưa ra những bằng chứng khác chứng minh là có sự kiện nhận tiền đó. Bằng chứng là những tin nhắn bạn nhắn với mợ bạn và người làm chứng.
Việc khởi kiện của bạn hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, với lý lẽ và bằng chứng bạn đưa ra, bạn phải chứng minh được là mợ của bạn có nhận tiền của bạn thì mới có cơ hội lấy lại số tiền đó.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.