Kiện đòi tài sản cho vay quá hạn chưa thanh toán. Làm thế nào để đòi tiền cho vay khi người vay tiền có dấu hiệu bị tâm thần?
05/05/2017 15:41Chào luật sư! Tôi có cho bạn của tôi vay 200 triệu đồng, bạn của tôi nói là mang đi đầu tư làm ăn nhưng tôi cũng không rõ là mang đi làm ăn thật hay giả. Giữa hai bên chúng tôi có giấy nợ và chữ kỹ của nhau, có cả tiền gốc, tiền lãi, thời hạn cho vay, thời hạn trả rõ ràng, nhưng bây giờ đã quá hạn. Tôi tìm đến nhà nhưng người nhà bảo cô bạn đó không có nhà và viện lý do đi chỗ nào chỗ kia, tôi cũng không biết cô ấy trốn đi đâu. Thời gian gần đây, vài đồng nghiệp của tôi có nói là cô ấy đã vào viện tâm thần, nhưng theo tôi hỏi từ anh chị em họ hàng thân thích nhà cô ấy thì họ không hề biết cô ấy vào viện tâm thần, họ chỉ nói là do nợ quá nhiều, cô ấy bị suy nhược cơ thể và ảnh hưởng một ít đến thần kinh chứ không bị gì quá nặng. Còn theo lời của chồng và con của cô ấy thì họ nói cô ấy bị câm và chỉ viết qua giấy được thôi. Tôi đã đến viện tâm thần để gặp và nói chuyện nhưng cô ấy từ chối và nhất quyết không gặp tôi. Vậy tôi có thể kiện cô ấy không? Tôi cần những chứng cứ gì? Nếu kiện thì tôi có được trả lại số tiền mình đã cho vay không và họ sẽ trả tôi bằng cách nào? Có cách nào để tôi đòi được tiền mà không cần phải kiện tòa án không? ( chồng cô ấy làm công an; cô ấy làm giáo viên còn con cô ấy thì đang là thực tập sinh)
Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Hợp đồng vay theo Điều 471 Bộ luật dân sự là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo Điều 474 Bộ luật dân sự thì bên vay có nghĩa vụ sau:
"1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ."
Như vậy, trong trường hợp này, bạn của bạn vay tiền của bạn và có lập thành hợp đồng. Trong hợp đồng có thỏa thuận rõ ràng về số tiền vay, thời hạn trả, quyền và nghĩa vụ của các bên,lãi suất...và hai bên cùng ký trên hợp đồng. Khi đến ngày trả bạn của bạn không trả tiền cho bạn thì bạn có quyền:
- Yêu cầu bên vay tài sản trả tiền gốc,tiền lãi, lãi quá hạn;
- Nếu bên vay không trả bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nơi bên vay cư trú theo điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Chứng cứ chứng minh trong trường hợp này là hợp đồng vay và biên bản xác nhận việc giao nhận tiền giữa hai bên.
Căn cứ Điều 22 Bộ luật dân sự thì:
"1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện."
Mặt khác theo khoản 4 Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:
Đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
Như vậy, nếu như có quyết định của Tòa án xác định người này bị tâm thần dẫn đến mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì bạn vẫn có thể khởi kiện người này. Nhưng việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự của họ do người giám hộ là người đại diện theo pháp luật của bạn thực hiện khoản 2 Điều 141 Bộ luật dân sự:
"Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ)"...."
Nếu không có bản án, quyết định của Tòa án thì bạn vẫn có quyền khởi kiện người bạn này của bạn. Nếu như người bạn này có hành vi lừa dối bạn để chiếm đoạt số tiền này thì bạn có quyền tố cáo người này ra cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009.
Công ty luật Bảo Chính!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.