Kiện chia tài sản thừa kế qua nhiều đời
09/05/2017 16:22Gia đình tôi có một mảnh đất do cụ cố để lại (văn tự mua bán đất năm 1901 bằng chữ Nho do CỘNG HÒA PHÁP chứng thực. Tường trình gia phả liên quan đến mảnh đất này như sau: 1-Cụ cố tôi có một người con duy nhất là cụ tôi. 2-Cụ tôi có 6 người con cả trai lẫn gái, ông nội tôi là anh cả. 3-Ông nội tôi lấy bà nội tôi được hơn một năm thì chết đột tử (năm 1940), lúc này bố tôi được 6 tháng tuổi. 4-Bà nội tôi đi bước nữa vài tháng sau khi ông nội tôi mất và có lần lượt 6 người con cả trai lẫn gái. 5-Năm 1966 bố mẹ tôi lấy nhau, năm 1967 thì cụ tôi về địa phương xin lấy lại mảnh đất này cho bố mẹ tôi và bà nội tôi ở (vì đi tản cư chiến tranh nên mảnh đất có một thời gian không sử dụng). 6-Năm 1971 cụ tôi về mang theo giấy tờ đất bản gốc và bản khai sinh họ gốc của bố tôi trao cho bố mẹ tôi trước sự chứng kiến của bà nội tôi, ông dượng tôi và một bà cô là em của ông nội tôi (bố tôi từ nhỏ được bà nội tôi khai lấy họ của ông dượng, cụ tôi sợ bố tôi mất họ gốc nên đã khai họ gốc cho bố tôi từ rất sớm và bản khai sinh này cũng do chính quyền PHÁP chứng thực). Cuối năm 1971 cụ ông mất, cụ bà mất năm 1976. 7-Năm 1979 bố mẹ tôi có xây một căn nhà trên một phần tư diện tích đất, năm 1981 do điều động của Bộ Vật Tư bố mẹ tôi vào tp HCM công tác và đã bán căn nhà này (giấy tờ gốc mảnh đất bố mẹ tôi mang theo ). Mảnh đất còn lại ba phần tư để cho bà nội tôi và hai người em út cùng mẹ khác cha với bố tôi ở. 8-Năm 1986 bà nội tôi khai với UB xã làm hồ sơ địa chính là bà nội tôi về xin sử dụng thửa đất này năm 1967, bà nội tôi không khai với địa phương mảnh đất này là di sản thừa kế của người chồng trước đồng thời cũng không khai bố tôi là con riêng của bà đã ở cùng với bà từ năm 1967 trên mảnh đất này. Năm 1992 bà nội tôi cho ba người con riêng xin giấy phép xây dựng toàn bộ diện tích đất còn lại. Những việc làm trên bố mẹ tôi ở tp HCM không biết gì. 9- Cuối năm 1992 bố tôi mất do nhồi máu cơ tim, đến năm 1995 thì bà nội tôi cũng mất. Ngay sau đó mảnh đất này bị tranh chấp bởi mẹ con tôi và các bà cô là em của ông nội tôi kiện các chú con riêng của bà nội tôi làm sai lệch hồ sơ gốc để hợp pháp hóa việc xây dựng nhà. Suốt thời gian từ đó đến nay mẹ con tôi thỉnh thoảng có gửi đơn ra địa phương nhằm để duy trì tình trang tranh chấp đồng thời tìm hiểu luật pháp, chờ cơ hội có thời gian, tiền bạc... đưa ra tòa án phân chia theo pháp luật. VẬY TÔI XIN HỎI CÁC CHUYÊN GIA LUẬT MỘT SỐ CÂU: 1-Việc Cụ tôi trao giấy tờ gốc cho bố mẹ tôi và ở ổn định không có tranh chấp từ các phía trong một thời gian nhất định như trên đã đủ để xét chủ quyền thuộc về bố mẹ tôi hay chưa ? 2- Việc bà nội tôi tự đứng ra làm hồ sơ địa chính và các con riêng của bà xin giấy phép xây dựng có đúng luật pháp hay không ? 3-Các bà cô là em của ông nội tôi có còn thời hiệu khởi kiện đòi thừa kế không ? 4-Mảnh đất này phân chia như thế nào thì đúng pháp luật ? Gửi mail riêng cho tôi, chân thành cảm ơn quí vị. ?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Thứ nhất: Việc người cụ của bạn trao giấy tờ gốc cho bố mẹ bạn và ở ổn định không có tranh chấp từ các phía trong một thời gian nhất định như trên đã đủ để xét quyền sở hữu thuộc về bố mẹ bạn hay chưa?.
Căn cứ vào Điều 100 Luật đất đai 2013 quy định:
“Điều 100. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất…”.
Như vậy, bố mẹ của bạn đang giữ giấy tờ về quyền sử dụng đất bản gốc do người cụ của bạn trao cho nhưng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này lại ghi tên là người cụ của bạn mà kèm theo đó, bố mẹ bạn lại không có bất cứ một loại giấy tờ nào liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ kỹ của người cụ nên cho dù gia đình bạn có ở ổn định và không có tranh chấp trên mảnh đất này hay không đi nữa thì quyền sử dụng đất vẫn không thuộc về bố mẹ của bạn.Và người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này vẫn là cụ bạn.
Thứ hai: Các con riêng của bà nội xin giấy phép xây dựng có đúng luật pháp hay không?.
Căn cứ vào Điều 49 Luật đất đai 1987 quy định:
“Điều 49
Người sử dụng đất có những quyền lợi sau đây:
1- Được sử dụng đất ổn định, lâu dài, có thời hạn hoặc tạm thời nhưng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định khi giao đất;
2- Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất được giao, được quyền chuyển, nhượng, bán nhà ở, vật kiến trúc khác, cây lâu năm mà người sử dụng đất có được một cách hợp pháp trên đất được giao; trong trường hợp đất đang sử dụng được thu hồi theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3, Điều 14 của Luật này để giao cho người khác thì được đền bù thiệt hại thực tế, được bồi hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư đã làm tăng giá trị của đất đó theo quy định của pháp luật;
3- Hưởng các lợi ích do công trình công cộng bảo vệ hoặc cải tạo đất mang lại;
4- Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo và bồi bổ đất;
5- Khi đất đang sử dụng bị thu hồi vì nhu cầu của Nhà nước hoặc xã hội thì được đền bù thiệt hại thực tế và được giao đất khác;
6- Được Nhà nước bảo vệ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất đai hợp pháp của mình.”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thời điểm đó, chỉ người có quyền sử dụng đất mới có quyền sử dụng đất cũng như được phép xây dựng nhà ở trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Trong trường hợp của bạn, những người con riêng của bà nội bạn không phải là chủ sở hữu đối với mảnh đất này và đương nhiên họ cũng không có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất ở hợp pháp mang tên họ nên hành vi xin giấy phép xây dựng trên mảnh đất này là không hợp pháp.
Thứ ba: Các bà cô là em của ông nội bạn có còn thời hiệu khởi kiện đòi thừa kế không ?
Căn cứ vào Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP quy định:
" 2.2. Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
a) Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 1/7/1996, thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế".".
Căn cứ vào Điều 36 Pháp lệnh thừa kế 1990 quy định:
“Điều 36.
Thời hiệu khởi kiện về thừa kế
1- Trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác...”.
Và căn cứ vào Điều 3 Pháp lệnh thừa kế 1990 quy định:
" Điều 3.
Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết hoặc được Toà án xác định là đã chết.
2- Địa điểm mở thừa kế là nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Nếu không xác định được nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản, thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản.".
Như vậy, các bà cô là em của ông nội bạn chỉ có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình trong vòng mười năm kể từ khi người cụ chết.
Như thông tin bạn đã cung cấp, từ thời điểm mở thừa kể là năm 1976 khi cụ bà mất đến nay là năm 2016 đã hơn mười năm vì vậy, các người em của ông nội bạn sẽ không còn quyền khởi kiện để yêu cầu chia tài sản và xác nhận quyền thừa kế nữa.
Thứ tư: Mảnh đất này phân chia như thế nào thì đúng pháp luật ?.
Do người cụ của bạn chết mà không để lại di chúc nên tài sản là mảnh đất người cụ để lại sẽ được chia theo pháp luật.
Căn cứ vào Điều 25 Pháp lệnh thừa kế 1990 quy định:
“Điều 25
Những người thừa kế theo pháp luật
1- Những người thừa kế theo pháp luật gồm có:
a) Hàng thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
b) Hàng thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết.
c) Hàng thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.
2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản ngang nhau.
3- Trong trường hợp không có người thừa kế hàng thứ nhất hoặc những người thừa kế hàng thứ nhất đều không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản, thì những người thừa kế hàng thứ hai được hưởng di sản.
4- Trong trường hợp không có người thừa kế hàng thứ nhất và hàng thứ hai hoặc những người thừa kế thuộc cả hai hàng này đều không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản, thì những người thừa kế hàng thứ ba hưởng di sản.”.
Điều 26 Pháp lệnh thừa kế 1990 quy định:
“Điều 26
Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”.
Như vậy, mảnh đất mà người cụ của bạn để lại sẽ được phân chia như sau:
+ Người cụ có tất cả 6 người con do vậy mảnh đất sẽ được chia làm 6 phần bằng nhau, nếu những người con của cụ không thuộc một trong những trường hợp sau đây: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản thì sẽ được hưởng di sản tương ứng mỗi người con của người cụ sẽ được một phần bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau như bố mẹ bạn và bạn sẽ không được hưởng thừa kế nếu cả 6 người con của cụ còn sống.
+ Do vào năm 1940 ông nội bạn chết trước thời điểm mà người cụ của bạn chết thì bố bạn sẽ được hưởng phần di sản là 1/6 mảnh đất mà đãng nhẽ ông nội bạn được hưởng nếu còn sống.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.